Câu hỏi liên quan đến vấn đề phá sản doanh nghiệp (Phần 2)
Câu hỏi 1: Anh Nguyễn Văn A là chủ sở hữu lô đất với diện tích 800m2, anh A đã ký hợp đồng thuê đất với doanh nghiệp AH kinh doanh vật liệu xây dựng làm kho đựng hàng. Doanh nghiệp AH liên tục làm ăn thua lỗ, không thanh toán được các khoản nợ đã đến hạn. Anh A muốn hỏi lô đất của anh cho doanh nghiệp AH thuê sẽ được xử lý như thế nào ?
Trả lời:
Điều 56 Luật phá sản quy định trả lại tài sản thuê hoặc mượn khi doanh nghiệp, hợp tác xã bị áp dụng thủ tục thanh lý như sau:
“1. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định tuyên bố phá sản, chủ sở hữu tài sản cho doanh nghiệp, hợp tác xã thuê hoặc mượn để dùng vào hoạt động kinh doanh phải xuất trình giấy tờ chứng minh quyền sở hữu, hợp đồng cho thuê hoặc cho mượn với cơ quan thi hành án dân sự để nhận lại tài sản của mình.
2. Trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản đã trả trước tiền thuê nhưng chưa hết thời hạn thuê thì người cho thuê chỉ được nhận lại tài sản sau khi đã thanh toán số tiền thuê tương ứng với thời gian thuê còn lại để cơ quan thi hành án dân sự nhập vào khối tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã đó.
3. Trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản đã chuyển nhượng tài sản thuê hoặc mượn cho người khác mà không đòi lại được thì người cho thuê hoặc cho mượn có quyền yêu cầu bồi thường đối với tài sản đó như khoản nợ không có bảo đảm.”
Như vậy, trong trường hợp này anh A đã ký hợp đồng thuê đất với doanh nghiệp AH kinh doanh vật liệu xây dựng làm kho đựng hàng, khi doanh nghiệp AH lâm vào tình trạng phá sản và bị áp dụng thủ tục thanh lý phải xuất trình giấy tờ chứng minh quyền sở hữu, hợp đồng cho thuê với Tổ trưởng Tổ quản lý, thanh lý tài sản để nhận lại tài sản của mình.
Câu hỏi 2: Chị M là chủ nợ của Doanh nghiệp Y, doanh nghiệp này đang bị Toà án tiến hành thủ tục phá sản. Chị muốn hỏi danh sách các chủ nợ của doanh nghiệp nộp kèm theo đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản do ai lập? Danh sách chủ nợ được pháp luật quy định như thế nào?
Trả lời:
Điều 67 Luật phá sản quy định:
“1. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày hết hạn gửi giấy đòi nợ, Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản phải lập danh sách chủ nợ, thu thập tài liệu liên quan đến khoản nợ và niêm yết công khai danh sách chủ nợ. Danh sách chủ nợ phải ghi rõ tên, địa chỉ, quốc tịch, căn cước của chủ nợ hoặc đại diện chủ nợ, số nợ của mỗi chủ nợ, trong đó phân định rõ khoản nợ có bảo đảm, nợ không có bảo đảm, nợ đến hạn, nợ chưa đến hạn.”
2. Danh sách chủ nợ phải được niêm yết công khai tại trụ sở Tòa án nhân dân tiến hành thủ tục phá sản, trụ sở chính của doanh nghiệp, hợp tác xã và đăng trên Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp, Cổng thông tin điện tử của Tòa án nhân dân và phải gửi cho chủ nợ đã gửi giấy đòi nợ trong 10 ngày làm việc kể từ ngày niêm yết.
3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc thời hạn niêm yết, chủ nợ và doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán có quyền đề nghị Thẩm phán xem xét lại danh sách chủ nợ. Trường hợp bất khả kháng hoặc có trở ngại khách quan thì thời gian có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan không tính vào thời hạn quy định tại khoản này.”
Như vậy, Tổ quản lý, thanh lý tài sản có trách nhiệm lập danh sách chủ nợ của doanh nghiệp. Danh sách ghi rõ số nợ của mỗi chủ nợ, trong đó phân định rõ các khoản nợ có bảo đảm, nợ không có bảo đảm, nợ đến hạn, nợ chưa đến hạn.
Câu hỏi 3: Công ty cổ phần dệt may TD lâm vào tình trạng phá sản, anh Nguyễn Văn T được đại diện người lao động cử hợp pháp để nộp đơn yêu cầu Tòa án tỉnh mở thủ tục phá sản đối với Công ty cổ phần dệt may TD nhưng Ban giám đốc Công ty đã có hành vi cản trở, gây khó khăn không cho anh T thực hiện quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với Công ty cổ phần dệt may TD. Anh T muốn hỏi hành vi cản trở, gây khó khăn nói trên của Ban giám đốc Công ty có vi phạm pháp luật không?
Trả lời:
Điều 53 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP quy định hành vi cản trở, gây khó khăn trong việc thực hiện quyền nộp đơn là hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt như sau:
“Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi cản trở, gây khó khăn trong việc thực hiện quyền nộp đơn của những người có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản.”
Như vậy, việc Ban giám đốc Công ty có hành vi cản trở, gây khó khăn không cho anh T thực hiện quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với Công ty cổ phần dệt may TD là hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt của hành vi này: Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
____________________________
Để được hỗ trợ và tư vấn chi tiết, Quý khách hàng vui lòng liên hệ chúng tôi quahotline +84 9888 999 26 hoặc email xuanduong@luatdaiviet.vn
Phòng Pháp luật Doanh nghiệp (VnLaw) – Công ty Luật TNHH Đại Việt
Địa chỉ: Số 09 Vạn Phúc, Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội