Người lao động tham ô tài sản doanh nghiệp
Thực trạng, nguyên nhân người lao động quản lý tài sản của doanh nghiệp hiện nay.
Hiện nay việc các doanh nghiệp giao cho người lao động được quản lý tài sản của doanh nghiệp rất phổ biến. Đây là một trong những kẽ hở tạo điều kiện cho không ít người lao động bất chấp pháp luật để biển thủ và chiếm dụng. Đây là một trong những thực trạng đáng báo động trong đời sống kinh tế hiện nay, nó đẩy doanh nghiệp tới quá trình kiện tụng mất thời gian, mặt khác người lao động cũng đối mặt với không ít án phạt nghiêm khắc của pháp luật.
Thực trạng nhiều doanh nghiệp thương mại giao không ít quyền tự chủ liên quan tới việc giao hàng, thu tiền hàng từ khách cho người lao động. Trong quá trình thu tiền công nợ nhiều người lao động đã giữ lại tiền hàng không nộp về công ty đồng thời lạm dụng số tiền đó vào mục đích cá nhân, thậm chí nhiều người còn chiếm dụng.
Vậy tại sao nhiều doanh nghiệp bị chiếm dụng tiền mà họ vẫn không rút kinh nghiệm để tránh các trường hợp tương tự. Điều này được lý giải bởi vì các thức kinh doanh nhỏ lẻ của đa số doanh nghiệp ở Việt Nam nơi mà người lao động được quyền linh hoạt đi tìm kiếm khách hàng, hoặc các mặt hàng công ty giao khoán cho tiêu thụ theo doanh số.
Mặt khác pháp luật lao động cũng cấm người sử dụng lao động được giữ các bằng cấp chính của người lao động hoặc giữ tiền đặt cọc của người lao động. Chính vì thế sự ràng buộc của người lao động đối với những công ty nhỏ thường không được chặt chẽ vì họ nghĩ rằng khó có chế tài nào ràng buộc được họ. (kiến nghị lưu dấu vết online trên thị trường lao động đối với người lao động bị án kỷ luật lao động liên quan tới chiếm dụng tài sản hoặc tham ô, trộm cắp tài sản của doanh nghiệp)
Ngoài ra nhiều người lao động nhận thức pháp luật còn hạn chế, họ đơn thuần chỉ nghĩ dùng tạm tiền của công ty và trả lại công ty dần dần là cũng không ảnh hưởng gì cả. Thậm chí một số người lao động khi bị doanh nghiệp đòi tiền còn đe dọa lại doanh nghiệp làm ăn trốn thuế, kinh doanh hàng kém chất lượng… dẫn tới doanh nghiệp không dám tố cáo người lao động ra cơ quan pháp luật.
Quy định của pháp luật đối với hành vi tham ô tài sản doanh nghiệp
Hành vi chiếm dụng tài sản của doanh nghiệp mà không trả lại là có dấu hiệu phạm tội Tham ô tài sản quy định tại điều 353 Bộ Luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017.
Điều 353. Tội tham ô tài sản
- Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
- a) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;
- b) Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
- a) Có tổ chức;
- b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;
- c) Phạm tội 02 lần trở lên;
- d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
đ) Chiếm đoạt tiền, tài sản dùng vào mục đích xóa đói, giảm nghèo; tiền, phụ cấp, trợ cấp, ưu đãi đối với người có công với cách mạng; các loại quỹ dự phòng hoặc các loại tiền, tài sản trợ cấp, quyên góp cho những vùng bị thiên tai, dịch bệnh hoặc các vùng kinh tế đặc biệt khó khăn;
- e) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đồng[357]đến dưới 3.000.000.000 đồng;
- g) Ảnh hưởng xấu đến đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, tổ chức.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
- a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
- b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng;
- c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
- d) Dẫn đến doanh nghiệp hoặc tổ chức khác bị phá sản hoặc ngừng hoạt động.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
- a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;
- b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.
- Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
- Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà tham ô tài sản, thì bị xử lý theo quy định tại Điều này.
Ngoài ra Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cũng hướng dẫn chi tiết về trường hợp được giao nhiệm vụ quyền hạn kể cả người được tuyển dụng theo hợp đồng trong doanh nghiệp cụ thể:
Khoản 5 Điều 2 Nghị quyết 03/2020 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao quy định: “Do một hình thức khác quy định tại khoản 2 Điều 352 BLHS là trường hợp không phải do bổ nhiệm, do bầu cử, do tuyển dụng, do hợp đồng nhưng được giao thực hiện nhiệm vụ và có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ đó”.
Như vậy các hành vi chiếm dụng tài sản của doanh nghiệp mà không trả của người lao động là phạm phải tội tham ô tài sản- một trong những tội danh khung hình phạt rất nặng.
Cảnh báo người lao động và người sử dụng lao động trong vấn đề giao tài sản và quyền quản lý tiền bạc và kiến nghị.
Chính vì vậy các doanh nghiệp khi tuyển dụng người lao động liên quan tới quản lý tài sản hoặc tiền bạc nên tập huấn trước cho người lao động các hành vi bị cấm và các chế tài của pháp luật, nhất là pháp luật hình sự để người lao động ý thức được hành vi của mình trước khi có ý định chiếm dụng. Ngoài ra bản thân các doanh nghiệp cũng nên có các công cụ như kiểm tra, báo cáo công nợ hàng ngày, thường xuyên nhằm hạn chế việc người lao động có quyền dễ dãi với đồng tiền doanh nghiệp rất dễ dẫn tới lòng tham mà phạm tội.
Bên cạnh đó chúng tôi thấy rằng đã đến lúc cũng nên có hồ sơ lao động nhất là phần vi phạm kỷ luật lao động liên quan tới các hành vi trộm cắp, tham ô, chiếm dụng tài sản để người lao động tránh vi phạm, điều này rất có tác dụng răn đe phòng ngừa chung. Tuy nhiên để ghi vào hồ sơ lý lịch lao động thì phải được cơ quan có thẩm quyền như thanh tra lao động nhằm tránh người sử dụng lao động lạm quyền ghi lý lịch lao động với động cơ xấu.
Trên đây là một vài phân tích về tội tham ô tài sản trong doanh nghiệp của người lao động, chúng tôi hy vọng các doanh nghiệp, người lao động nghiên cứu tránh vi phạm do thiếu hiểu biết pháp luật.
Mọi thắc mắc hoặc tư vấn xin liên hệ:
Công ty Luật TNHH Đại Việt
Phòng Pháp luật Doanh nghiệp (vnlaw) tầng 5 tòa nhà số 9 Vạn Phúc, Ba Đình, Hà Nội
Luật sư Phạm Xuân Dương- phó giám đốc
Mobile: 0933668166; zalo: 0933668166
Email: xuanduong@luatdaiviet.vn