Phân biệt chi nhánh và địa điểm kinh doanh
Trong quá trình hoạt động, khi doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng kinh doanh trong cùng tỉnh hoặc khác tỉnh với trụ sở công ty, doanh nghiệp có thể thành lập chi nhánh hoặc địa điểm kinh doanh. Hai loại hình này có những đặc điểm khác nhau nên doanh nghiệp cần lưu ý phân biệt chi nhánh và địa điểm kinh doanh để lựa chọn thành lập loại hình phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp và quy định của pháp luật.
- Khái niệm chi nhánh và địa điểm kinh doanh:
– Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp kể cả chức năng đại diện theo ủy quyền. Ngành, nghề kinh doanh của chi nhánh phải đúng với ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp.
– Địa điểm kinh doanh là nơi mà doanh nghiệp tiến hành hoạt động kinh doanh cụ thể.
Trước đây, khi thành lập địa điểm kinh doanh khác tỉnh với trụ sở công ty thì doanh nghiệp cần phải thành lập chi nhánh trước rồi mới được lập địa điểm kinh doanh. Tuy nhiên theo quy định mới hiện nay, doanh nghiệp được quyền lập địa điểm kinh doanh mà không cần thành lập chi nhánh trước đối với trường hợp thành lập địa điểm kinh doanh khác tỉnh với trụ sở công ty.
- Phân biệt chi nhánh và địa điểm kinh doanh:
Tiêu chí | Chi nhánh | Địa điểm kinh doanh |
Địa điểm thành lập | Doanh nghiệp có quyền lập chi nhánh ở trong nước và nước ngoài. Doanh nghiệp có thể đặt một hoặc nhiều chi nhánh tại một địa phương theo địa giới hành chính. | Doanh nghiệp được lập địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp tại địa chỉ cùng tỉnh hoặc khác tỉnh với địa chỉ trụ sở chính hoặc chi nhánh. |
Con dấu | Được đăng ký và sử dụng con dấu chi nhánh | Không có con dấu địa điểm kinh doanh |
Hình thức hạch toán | Hạch toán độc lập hoặc hạch toán phụ thuộc | Hạch toán phụ thuộc |
Kê khai, nộp lệ phí, thuế | Chi nhánh có các nghĩa vụ về lệ phí môn bài, thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp như sau:
+ Lệ phí môn bài: Căn cứ Điều 17, Khoản 1 Thông tư 156/2013/TT-BTC, có hai trường hợp kê khai thuế môn bài cho chi nhánh: – Chi nhánh hạch toán độc lập: Kê khai và nộp lệ phí môn bài tại cơ quan quản lý chi nhánh. – Chi nhánh hạch toán phụ thuộc: Nếu chi nhánh ở cùng tỉnh với trụ sở chính thì nộp tờ khai lệ phí môn bài tại cơ quan thuế trụ sở chính; Nếu chi nhánh ở khác tỉnh với trụ sở chính thì nộp tờ khai và lệ phí môn bài tại chi nhánh. + Thuế giá trị gia tăng: Căn cứ khoản 1 Điều 11 Thông tư 156/2013/TT-BTC, doanh nghiệp sẽ nộp thuế GTGT tại chi nhánh nếu chi nhánh đó hạch toán độc lập, hoặc là chi nhánh khác tỉnh với trụ sở chính. Trong trường hợp chi nhánh hạch toán phụ thuộc hoặc không phát sinh doanh thu, hoặc cùng tỉnh với trụ sở chính thì kê khai và nộp thuế GTGT cho chi nhánh tại trụ sở chính. + Thuế Thu nhập doanh nghiệp: Căn cứ khoản 1 Điều 12 Thông tư 156/2013/TT-BTC, nếu chi nhánh hạch toán độc lập thì sẽ nộp hồ sơ kê khai thuế TNDN phát sinh tại đơn vị trực thuộc cho cơ quan quản lý thuế trực tiếp của chi nhánh đó. Nếu chi nhánh hạch toán phụ thuộc thì không phải nộp hồ sơ kê khai thuế thu nhập doanh nghiệp, mà trụ sở chính sẽ nộp hồ sơ kê khai thuế cả phần thu nhập tại chi nhánh.
|
Nếu địa điểm kinh doanh có địa chỉ khác tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương với chi nhánh hoặc trụ sở chính thì địa điểm kinh doanh phải tự kê khai nộp lệ phí môn bài.
Nếu địa điểm kinh doanh cùng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương với trụ sở chính hoặc chi nhánh thì trụ sở chính hoặc chi nhánh có thể kê khai và nộp phí môn bài thay cho địa điểm kinh doanh. |
Chức năng | Thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp, bao gồm cả việc thực hiện hoạt động kinh doanh và chức năng đại diện theo ủy quyền. Do vậy, chi nhánh phát sinh thêm hoạt động báo cáo thuế như công ty (trừ chi nhánh phụ thuộc không phải lập báo cáo tài chính năm). | Chỉ thực hiện hoạt động kinh doanh do doanh nghiệp chỉ đạo, không có chức năng đại diện theo ủy quyền. |
Mã số thuế | Mã số chi nhánh là mã số thuế của chi nhánh |
Mã số của địa điểm kinh doanh là mã số gồm 5 chữ số được cấp theo số thứ tự từ 00001 đến 99999. Mã số này không phải là mã số thuế của địa điểm kinh doanh. Địa điểm kinh doanh cần đăng ký mã số thuế với cơ quan thuế quản lý |
- Căn cứ pháp lý:
– Luật Doanh nghiệp 2020.
– Thông tư 156/2013/TT-BTC hướng dẫn thi hành một số điều luật của Luật Quản lý thuế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22/07/2013 của Chính phủ.
____________________________
Để được hỗ trợ và tư vấn chi tiết, Quý khách hàng vui lòng liên hệ chúng tôi quahotline +84 9888 999 26 hoặc email xuanduong@luatdaiviet.vn
Phòng Pháp luật Doanh nghiệp (VnLaw) – Công ty Luật TNHH Đại Việt
Địa chỉ: Số 09 Vạn Phúc, Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội