Doanh nghiệp

Trách nhiệm hình sự đối với Pháp nhân thương mại trong Bộ luật Tố tụng hình sự 2015

Bộ luật hình sự 2015 và 3 đạo luật khác được đề nghị bỏ phiếu lùi hiệu lực thi hành do một số lỗi kỹ thuật ngày 29/6/2016. Tuy nhiên, thời gian lùi hiệu lực thi hành cũng phần nào giúp cho các pháp nhân thương mại trong việc tìm hiểu trước các quy định về TNHS của mình trong Bộ Luật hình sự 2015.

Pháp luật hình sự hiện hành, cụ thể là BLHS năm 1999 và Luật số 37/2009/QH12 sửa đổi bổ sung một số điều của bộ luật hình sự năm 1999 chưa có quy định xử lý đối với pháp nhân thương mại, hay cụ thể hơn là chưa quy định trách nhiệm hình sự (sau đây gọi là TNHS) đối với pháp nhân thương mại. Pháp luật hình sự nước ta đến nay, theo quy định tại Điều 2 BLHS về cơ sở của TNHS thì “Chỉ người nào phạm một tội đã được Bộ luật hình sự quy định mới phải chịu TNHS”. Và trong phần khái niệm của tội phạm BLHS cũng quy định “Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố sý hoặc vô ý”. Qua đó cho thấy, BLHS của nước ta quy định chỉ truy cứu TNHS đối với các cá nhân phạm tội, chứ không áp dụng cho các đối tượng là pháp nhân thương mại. Đứng trước những vấn đề đang đặt ra , ngày 27/11/2015, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Bộ luật hình sự và Bộ luật tố tụng hình sự quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại và việc điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án đối với pháp nhân thương mại phạm tội.

Lần đầu tiên trong lịch sử hình thành và phát triển của pháp luật hình sự nước ta, BLHS và  BLTTHS năm 2015 đã ban hành những quy định về TNHS của pháp nhân thương mại, cụ thể hóa các Nghị quyết của Đảng và Hiến pháp năm 2013. Chính vì thế, việc giới thiệu cũng như tìm hiểu những quy định về TNHS của pháp nhân thương mại trong BLHS năm 2015, BLTTHS năm 2015 là rất cần thiết, giữ vai trò rất quan trọng trong việc đưa những quy định này đi vào thực tế đời sống xã hội một cách sâu rộng, đạt hiệu quả cao, trong đó tập trung chủ yếu vào văn bản BLHS năm 2015.

Những điều khoản mới quy định chung về cơ sở TNHS, nguyên tắc xử lý, hiệu lực xử lý, khái niệm, hình phạt, loại hình phạt trong BLHS năm 2015

+ Sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 2 BLHS năm 2015 về cơ sở TNHS “2. Chỉ pháp nhân thương mại nào phạm một tội đã được quy định tại Điều 76 của Bộ luật này mới phải chịu trách nhiệm hình sự”, đây là những quy định cơ sở TNHS đối với pháp nhân thương mại, và cũng là quy định mang tính tiền đề, làm nền tảng cho những quy định khác về TNHS đối với pháp nhân thương mại trong BLHS năm 2015.

+ Tại Chương III – Tội phạm, lần đầu tiên trong lịch sử xây dựng pháp luật hình sự, khái niệm về tội phạm đã được mở rộng bao gồm cả pháp nhân thương mại phạm tội (Điều 8 BLHS năm 2015): “1. Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự”. Đây là điểm khác biệt hoàn toàn với BLHS năm 1999, qua đó tạo cơ sở vững chắc để truy cứu TNHS đối với pháp nhân, mang bốn đặc trưng của tội phạm là tính nguy hiểm cho xã hội; tính trái pháp luật hình sự; tính có lỗi; tính phải chịu hình phạt và đối với pháp nhân còn phải đảm bảo quy định tại Điều 84 Bộ luật Dân sự năm 2005 và Điều 74 Bộ luật Dân sự năm 2015

+ Chương VI của BLHS năm 2015 trong pháp luật hình sự nước ta quy định các hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội, bao gồm hai loại hình phạt là hình phạt chính và hình phạt bổ sung, cụ thể: Hình phạt chính: Khoản 1 Điều 33 BLHS năm 2015 quy định “1. Hình phạt chính bao gồm: a) Phạt tiền; b) Đình chỉ hoạt động có thời hạn; c) Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn”; Hình phạt bổ sung: Khoản 2 Điều 33 BLHS năm 2015 quy định “2. Hình phạt bổ sung bao gồm: a) Cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định; b) Cấm huy động vốn; c) Phạt tiền, khi không áp dụng là hình phạt chính”; Khoản 3 Điều 33 BLHS năm 2015 quy định “3. Đối với mỗi tội phạm, pháp nhân thương mại phạm tội chỉ bị áp dụng một hình phạt chính và có thể bị áp dụng một hoặc một số hình phạt bổ sung”.

+ Một trong những đặc điểm nổi bật trong quy định hình phạt đối với pháp nhân là các nhà làm luật đánh mạnh vào mặt kinh tế của pháp nhân, xuất phát từ mục đích chính của pháp nhân là hoạt động vì lợi nhuận, đây là mặt trực tiếp và có ảnh hưởng lớn nhất đối với sự tồn tại và phát triển của pháp nhân. Đồng thời, những loại hình phạt mà BLHS năm 2015 quy định đối với pháp nhân thương mại, đã và đang được quy định là những hình thức xử lý vi phạm đối với pháp nhân trong những văn bản pháp luật xử phạt vi phạm hành chính năm 2012 và nhiều văn bản pháp luật khác. Tuy nhiên, những hình thức xử lý này chưa đủ sức răn đe, giáo dục cho nên chưa mang lại hiệu quả đấu tranh phòng ngừa cao đối với pháp nhân có hành vi vi phạm.

Những quy định đối với pháp nhân thương mại phạm tội

một trong những bổ sung mới nhất, lớn nhất, thể hiện được bước tiến trong trình độ lập pháp của nước ta trong BLHS năm 2015 là các nhà lập pháp nước ta đã xây dựng riêng một chương mới – Chương XI. Những quy định đối với pháp nhân thương mại phạm tội quy định về điều kiện, phạm vi chịu TNHS; các hình phạt và biện pháp tư pháp cụ thể áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội; các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng TNHS; việc quyết định hình phạt, tổng hợp hình phạt, miễn hình phạt và xóa án tích đối với pháp nhân thương mại bị kết án. Các quy định này không chỉ bảo đảm sự thống nhất chung của hệ thống pháp luật mà còn nhằm thực thi các cam kết của Việt Nam trong các điều ước quốc tế mà nước ta là thành viên, bảo đảm công bằng giữa pháp nhân thương mại Việt Nam ở nước ngoài và pháp nhân thương mại nước ngoài tại Việt Nam.

+ Đồng thời Chương XI của  BLHS năm 2015 cũng đánh dấu bước phát triển mới trong hoạt động xây dựng và ban hành pháp luật tại nước ta, thể hiện trình độ lập pháp tiến bộ, đáp ứng được sự phát triển của đất nước và đòi hỏi của thế giới trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay, cũng như đáp ứng được đòi hỏi của quá trình đấu tranh phòng chống tội phạm.

+ Cụ thể, Chương XI của BLHS năm 2015 gồm các điều từ Điều 74 đến Điều 89, trong đó Điều 74 BLHS năm 2015 quy định: “Áp dụng quy định của Bộ luật hình sự đối với pháp nhânthương mại phạm tội: Pháp nhân thương mại phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự theo những quy định của Chương này; theo quy định khác của Phần thứ nhất của Bộ luật này không trái với quy định của Chương này”, đây là quy định cụ thể hóa hơn cho quy định tại khoản 2 Điều 2 BLHS năm 2015 về cơ sở của TNHS đối với pháp nhân. Lần đầu tiên, BLHS xây dựng một điều khoản quy định điều kiện chịu TNHS đối với pháp nhân, đây là cơ sở cần thiết cho việc truy cứu TNHS trong những trường hợp cụ thể, đảm bảo tính hợp lý, tính đồng bộ và tính khả thi, cụ thể tại Khoản 1 Điều 75 BLHS năm 2015 quy định những điều kiện cần vả đủ để xác định TNHS đối với pháp nhân: “1. Pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự khi có đủ các điều kiện sau đây: a) Hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại; b) Hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại; c) Hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại; d) Chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 27 của Bộ luật này”

+ Phạm vi các tội danh mà pháp nhân thương mại phạm tội phải chịu TNHS chỉ thuộc các nhóm tội phạm kinh tế và tội phạm về môi trường, đây là những tội danh mà pháp nhân thương mại thường hay vi phạm (tính phổ biến), có mức độ nguy hiểm nhất định và dễ chứng minh trên thực tế. Trên tinh thần đó, Điều 76 của BLHS năm 2015 đã quy định 31 tội danh, trong đó, 22 tội pháp nhân thương mại phải chịu TNHS thuộc Chương XVIII. Các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế và 09 tội mà pháp nhân phải chịu TNHS thuộc Chương XIX. Các tội phạm về môi trường, nếu phạm một trong các tội này, thì pháp nhân phải chịu TNHS.

+ Về hình thức hình phạt, loại hình phạt, các biện pháp tư pháp và điều kiện áp dụng đối với pháp nhân phạm tội: so với BLHS năm 1999 thì BLHS năm 2015 có bước phát triển hoàn toàn mới khi lần đầu tiên quy định một cách cụ thể các loại hình phạt và các biện pháp tư pháp đối với chủ thể mới của pháp luật hình sự là pháp nhân, cụ thể là từ Điều 77 đến Điều 82 BLHS năm 2015 gồm: phạt tiền (Điều 77), đình chỉ hoạt động có thời hạn (Điều 78), đình chỉ hoạt động vĩnh viễn (Điều 79), cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định (Điều 80), cấm huy động vốn (Điều 81) và các biện pháp tư pháp áp dụng đối với pháp nhânthương mại phạm tội (Điều 82). Các loại hình phạt này được áp dụng đối với pháp nhân phạm tội tùy thuộc vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội được quy định tại Điều 9 và Điều 83 BLHS năm 2015.

Quyết định hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội

+ Ngoài ra, một trong những điểm mới khác được bổ sung, sửa đổi trong BLHS năm 2015 đó là xây dựng điều khoản về quyết định hình phạt trong trường hợp pháp nhân phạm nhiều tội (Điều 86 BLHS năm 2015), tổng hợp hình phạt của nhiều bản án đối với pháp nhân (Điều 87 BLHS năm 2015), xây dựng điều khoản về miễn hình phạt (Điều 88 BLHS năm 2015), và xây dựng quy định về xóa án tích cho pháp nhân (Điều 89 BLHS năm 2015).

+ Quy định về tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng TNHS áp dụng đối với pháp nhân. Theo đó, vì là chủ thể của pháp luật hình sự cho nên cũng như việc quy định TNHS đối với cá nhân con người, thì một trong những điểm mới của BLHS năm 2015 với BLHS năm 1999 đó là lần đầu tiên BLHS quy định các tình tiết giảm nhẹ TNHS áp dụng đối với pháp nhân (Điều 84), và các tình tiết tăng nặng TNHS áp dụng đối với pháp nhân (Điều 85). Bởi lẽ, truyền thống xây dựng BLHS từ trước đến nay, đều quy định những tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ cho cá nhân con người phạm tội cụ thể, nay BLHS năm 2015 tiếp tục sửa đổi, bổ sung thêm loại chủ thể luật hình sự mới là pháp nhân thì cũng phải quy định những tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ áp dụng đối với pháp nhân phạm tội, như vẫn đang quy định đối với cá nhân con người phạm tội. Thông qua đó, có thể thấy việc quy định những tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ này trong BLHS năm 2015 thể hiện rõ được tính nghiêm khắc trong xử lý hành vi phạm tội của pháp nhân, cũng như thể hiện được tính nhân đạo xã hội chủ nghĩa của Đảng và Nhà nước ta trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, đồng thời thể hiện được tính hợp lý và nguyên tắc công bằng, bình đẳng trong xử lý tội phạm giữa hai loại chủ thể pháp luật hình sự là cá nhân và pháp nhân.

Việc bổ sung trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân là cần thiết, có ý nghĩa quan trọng trong việc thắt chặt hành lang pháp lý trong thời kỳ kinh tế Việt Nam hội nhập như hiện nay. Hành vi phạm tội không chỉ do cá nhân mà pháp nhân cũng gây ra. Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân sẽ giúp nhân dân rất nhiều trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, nâng cao khả năng tiếp cận công lý của người dân; bởi vì số tiền tạm ứng án phí để khởi kiện pháp nhân lớn (thậm chí rất lớn) và nhân dân gặp khó khăn trong việc chứng minh tội phạm của pháp nhân và càng khó khăn hơn khi phải chứng minh thiệt hại xảy ra. Chế định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại trọng Bộ Luật Tố tụng hình sự 2015 phần nào đã tạo tiền đề cho việc giải quyết vấn đề trách nhiệm dân sự trong vụ án hình sự ngày một rõ ràng hơn, từ đó đảm bảo phán quyết của Tòa án đúng pháp luật hơn, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của các tầng lớp xã hội về cải cách tư pháp. Qua đó, đưa những nội dung mới về pháp nhân thương mại đi sâu vào trong thực tế cuộc sống, phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm do pháp nhân gây ra nói riêng, tội phạm nói chung ở Việt Nam cũng như thực hiện nghiêm chỉnh các cam kết trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

____________________________

Để được hỗ trợ và tư vấn chi tiết, Quý khách hàng vui lòng liên hệ chúng tôi quahotline +84 9888 999 26 hoặc email xuanduong@luatdaiviet.vn

Phòng Pháp luật Doanh nghiệp (VnLaw) – Công ty Luật TNHH Đại Việt 

Địa chỉ: Số 09 Vạn Phúc, Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội

Dịch vụ khác

THÀNH LẬP DOANH NGHIỆP FDI NHỮNG GÌ BẠN CẦN BIẾT

THÀNH LẬP DOANH NGHIỆP FDI NHỮNG GÌ BẠN CẦN BIẾT

THÀNH LẬP DOANH NGHIỆP FDI  Việt Nam là một trong những thị trường có sức hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài nhờ vào chính sách đầu tư thuận lợi và ưu đãi hoạt động. Bài viết này sẽ hướng dẫn chi tiết về quy trình thành lập...
Xem chi tiết

ĐIỀU CHỈNH MỤC TIÊU DỰ ÁN ĐẦU TƯ

ĐIỀU CHỈNH MỤC TIÊU DỰ ÁN ĐẦU TƯ

ĐIỀU CHỈNH MỤC TIÊU DỰ ÁN ĐẦU TƯ Mỗi Dự án đầu tư sẽ có những mục tiêu hoạt động riêng biệt, việc điều chỉnh mục tiêu dự án đầu tư sẽ phụ thuộc vào nhu cầu hoạt động kinh doanh, hoạt động sản xuất của Nhà đầu tư hoặc...
Xem chi tiết

Đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực sản xuất phân phối mỹ phẩm

Đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực sản xuất phân phối mỹ phẩm

SẢN XUẤT, PHÂN PHỐI MỸ PHẨM ĐỐI VỚI NHÀ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM Hiện nay, thị tường mỹ phẩm tại Việt Nam đang hoạt động cực kì năng động trong các năm gần đây. Tỷ lệ người dùng mỹ phẩm của Việt Nam đang tăng lên...
Xem chi tiết