Tranh chấp

Tranh chấp về nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng mua bán

Tranh chấp về nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng mua bán

Nghĩa vụ thanh toán là một trong những nghĩa vụ quan trọng nhất của chủ thể ký kết hợp đồng. Điều khoản thành toán được các bên thoả thuận thông thường bao gồm những nội dung cụ thể về đồng tiền thanh toán, phương thức thanh toán, thời hạn, địa điểm thanh toán, trình tự, thủ tục thanh toán… Bên mua có nghĩa vụ phải thanh toán đúng, đầy đủ những nội dung này theo thoả thuận. Trường hợp các bên không có thoả thuận về những nội dung cụ thể liên quan đến việc thanh toán thì áp dụng quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, trong nhiều tình huống thực tế, có nhiều tranh chấp nghĩa vụ thanh toán phát sinh mà pháp luật không quy định cụ thể và nội dung hợp đồng cũng không đề cập tới. Dựa trên thực tiễn giải quyết các tranh chấp liên quan đến thanh toán, hầu hết các tranh chấp phát sinh khi bên mua vi phạm nghĩa vụ thanh toán (chậm thực hiện hoặc không thực hiện nghĩa vụ) như đã thỏa thuận hoặc việc hai bên không thống nhất được cách tính và thời điểm tính lãi suất chậm trả.

I. Tìm hiểu quy định pháp lý về nghĩa vụ thanh toán theo Hợp đồng

Nghĩa vụ thanh toán trong hợp đồng bao gồm nghĩa vụ thanh toán bắt buộc theo thỏa thuận hợp đồng như nghĩa vụ trả tiền trong hợp đồng mua bán tài sản tại Điều 440 BLDS 2015, tiền dịch vụ, tiền phí, tiền lãi hợp đồng vay và nghĩa vụ thanh toán được yêu cầu do vi phạm nghĩa vụ thanh toán buộc như tiền lãi do chậm thanh toán, lãi suất quá hạn theo quy định của BLDS 2015 hoặc theo quy định tại Luật Thương mại 2005

Xác định thời hạn thanh toán theo hợp đồng

Tùy từng loại hợp đồng mà thời hạn thanh toán được xác định khác nhau. Nhưng thời hạn thanh toán (thực hiện nghĩa vụ) nhìn chung sẽ được xác định theo nguyên tắc được quy định tại Điều 278 BLDS 2015 như sau:

  • Nếu các bên có thỏa thuận thời hạn thanh toán thì áp dụng theo thỏa thuận của các bên. Thỏa thuận sau cùng là thỏa thuận được áp dụng khi có nhiều thỏa thuận về cùng một khoản tiền yêu cầu thanh toán.
  • Trong trường hợp các bên không thỏa thuận thời hạn thanh toán trong hợp đồng, thì thời hạn thanh toán áp dụng theo quy định pháp luật điều chỉnh loại hợp đồng giao kết.
  • Trong trường hợp các bên không thỏa thuận, pháp luật cũng không quy định về thời hạn thanh toán thì bên có quyền được yêu cầu bên có nghĩa vụ phải thanh toán tiền trong một thời gian hợp lý.

Theo Điều 55 Luật Thương mại 2005, trường hợp các bên không có thoả thuận, thời hạn thanh toán được xác định như sau:

  • Bên mua phải thanh toán cho bên bán vào thời điểm bên bán giao hàng hoặc giao chứng từ liên quan đến hàng hoá;
  • Bên mua không có nghĩa vụ thanh toán cho đến khi có thể kiểm tra xong hàng hoá trong trường hợp có thoả thuận về việc bên mua có quyền kiểm tra hàng hoá trước khi giao.
  • Bên mua vẫn phải thanh toán tiền mua hàng trong trường hợp hàng hoá mất mát, hư hỏng sau thời điểm rủi ro được chuyển từ bên bán sang bên mua, trừ trường hợp mất mát, hư hỏng do lỗi của bên bán gây ra.

Địa điểm thanh toán

Theo Điều 54 Luật Thương mại 2005, trường hợp không có thoả thuận về địa điểm thanh toán cụ thể thì bên mua phải thanh toán cho bên bán tại một trong các địa điểm sau đây:

  • Địa điểm kinh doanh của bên bản được xác định vào thời điểm giao kết hợp đồng, nếu không có địa điểm kinh doanh thì tại nơi cư trú của bên bán;
  • Địa điểm giao hàng hoặc giao chứng từ nếu việc thành toán được tiến hành đồng thời với việc giao hàng hoặc giao chứng từ.

Xác định giá

Việc xác định giá được quy định cụ thể tại Điều 52, 53 Luật Thương mại 2005.

  • Trường hợp không có thoả thuận về giá hàng hoá, không có thoả thuận về phương pháp xác định giá và cũng không có bất kì chỉ dẫn nào khác về giá thì giá của hàng hoá được xác định theo giá của loại hàng hoá đó trong các điều kiện tương tự về phương thức giao hàng, thời điểm mua bán hàng hoá, thị trường địa lí, phương thức thanh toán và các điều kiện khác có ảnh hưởng đến giá.
  • Nếu giá được xác định theo trọng lượng của hàng hoá thì trọng lượng đó là trọng lượng tịnh.

Chế tài phạt chậm thanh toán theo thỏa thuận

Chế tài phạt chậm thanh toán do các bên thỏa thuận, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác. Tùy theo từng loại hợp đồng mà chúng ta có mức có chế tài phạt chậm thanh toán phù hợp, ví dụ như hợp đồng mua bán hàng hóa thì tại Điều 301 Luật Thương mại 2005 mức phạt hợp đồng không quá 8% phần giá trị hợp đồng bị vi phạm. Vì vậy, khi xem xét thỏa thuận hợp đồng các bên nên thỏa thuận chế tài phạt chậm thanh toán phù hợp, bên cạnh sự thỏa thuận của các bên, thì cần chú ý quy định của pháp luật, tránh trường hợp sự thỏa thuận không được pháp luật công nhận.

Tại Điều 306 Luật Thương mại 2005 quy định về chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán như sau:

Điều 306. Quyền yêu cầu tiền lãi do chậm thanh toán

Trường hợp bên mua chậm thanh toán tiền hàng và các chi phí hợp lí khác thì bên bán có quyền yêu cầu trả tiền lãi trên số tiền chậm trả đó theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”.

Quy định này của Luật thương mại có sự khác biệt với quy định của Bộ luật dân sự về xử lí vi phạm chậm thanh toán tiền trong hợp đồng mua bán tài sản, theo đó trong trường hợp bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì bên đó phải trả lãi đổi với số tiền chậm trả theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác. Có thể nhận thấy quy định của Luật thương mại về xử lí vi phạm nghĩa vụ thanh toán trong hợp đồng mua bán phù hợp với yêu cầu của quan hệ mua bán hàng hoá trong thương mại, đáp ứng yêu cầu vận động của vốn kinh doanh trong điều kiện kinh tế thị trường.

Ngừng thanh toán

Tại Điều 51 Luật Thương mại 2005 quy định về việc ngừng thanh toán tiền mua hàng, trừ trường hợp có thoả thuận khác, việc ngừng thanh toán tiền mua hàng của bên mua được xác định như sau:

  • Bên mua có bằng chứng về việc bên bán lừa dối thì có quyền tạm ngừng việc thanh toán;
  • Bên mua có bằng chứng về việc hàng hoá đang là đối tượng bị tranh chấp thì có quyền tạm ngừng thanh toán cho đến khi việc tranh chấp đã được giải quyết;
  • Bên mua có bằng chứng về việc bên bán đã giao hàng không phù hợp với hợp đồng thì có quyền tạm ngừng thanh toán cho đến khi bên bán đã khắc phục sự không phù hợp đó;
  • Trường hợp tạm ngừng thanh toán vì hàng hóa là đối tượng của tranh chấp hoặc hàng hoá giao không phù hợp với hợp đồng mà bằng chứng do bên mua đưa ra không xác thực, gây thiệt hại cho bên bán thì bên mua phải bồi thường thiệt hại đó và chịu các chế tài khác theo quy định của pháp luật.
  • Qua việc phân tích các quy định trên, ta thấy nghĩa vụ thanh toán của bên mua là nghĩa vụ cơ bản và quan trọng, bên mua cần phải tuân thủ đúng nghĩa vụ theo hợp đồng đã thỏa thuận cũng như quy định của pháp luật.

Đã ký biên bản thanh lý hợp đồng thì có được thanh toán tiền lãi suất chậm trả?

Đây là câu hỏi thường gặp của Luật sư khi trợ giúp khách hàng. Bản chất của việc thanh lý hợp đồng đó là chấm dứt toàn bộ quyền, nghĩa vụ theo thỏa thuận hợp đồng đã ký, thậm chí nhiều biên bản thanh lý hợp đồng còn đề rõ: “Các bên không có khiếu kiện, khiếu nại gì về hợp đồng… Hoặc sau thời điểm thanh lý hợp đồng các bên không phải thực hiện bất kỳ nghĩa vụ nào khác…”.

Việc cần làm khi đối tác không thanh toán theo thỏa thuận hợp đồng

Vi phạm nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng là hành vi vi phạm cơ bản và nghiêm trọng nhất bởi mục đích giao kết hợp đồng kinh tế luôn là hướng tới lợi nhuận và đảm bảo nguồn vốn kinh doanh. Khi phát sinh hành vi vi phạm nghĩa vụ thanh toán của đối tác chúng ta cần thực hiện các công việc sau:

  1. Xác định lại các quyền lợi của doanh nghiệp bị ảnh hưởng do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra.
  2. Kiểm tra các biện pháp bảo đảm, các chế tài thỏa thuận trong hợp đồng mua bán hàng hóa, hợp đồng dịch vụ đã ký để làm căn cứ xử lý hành vi vi phạm nghĩa vụ thanh toán.
  3. Xác định quyền của doanh nghiệp được yêu cầu đối tác đảm bảo khi họ có hành vi chậm thanh toán tiền.
  4. Xác định công nợ và tiến hành yêu cầu đối tác xác nhận.

Chế tài xử lý hành vi vi phạm nghĩa vụ thanh toán 

  • Áp dụng chế tài buộc thực hiện đúng Hợp đồng
  • Buộc thực hiện đúng Hợp đồng được quy định ở Điều 297 Luật Thương mại 2005 đối với hợp đồng thương mại, và Bộ luật dân sự đối với các loại hợp đồng khác, bên bị vi phạm nghĩa vụ thanh toán được quyền yêu cầu bên vi phạm thực hiện đúng hợp đồng, nghĩa là phải thanh toán đầy đủ tiền theo quy định của Hợp đồng.
  • Áp dụng chế tài phạt vi phạm hợp đồng và bồi thường thiệt hại
  • Áp dụng chế tài tính tiền lãi suất khoản tiền nợ, và áp dụng lãi suất chậm trả đối với khoản tiền nợ chưa thanh toán.

Đề nghị thanh toán và đề nghị xác nhận công nợ theo hợp đồng

Lập biên bản xác nhận công nợ theo hợp đồng

Nhiều trường hợp khi giải quyết tranh chấp hợp đồng tại Tòa án bên vi phạm đưa ra các căn cứ để loại bỏ hành vi vi phạm của họ như: Khiếu nại chất lượng hàng hóa, khiếu nại chất lượng dịch vụ hoặc giải trình lý do chậm thanh toán vì đang tạm dừng thực hiện hợp đồng,… điều này khiến cho việc giải quyết tranh chấp hợp đồng luôn kéo dài, có khi cả vài năm. Biên bản xác nhận công nợ là tài liệu quan trọng giúp cho các bên xác nhận công nợ theo hợp đồng đã ký, từ đó khi khởi kiện sẽ không mất nhiều thời gian xác định khoản nghĩa vụ thanh toán đến hạn.

Lập giấy đề nghị thanh toán tiền theo thỏa thuận hợp đồng

Tài liệu này giúp xác định thời điểm hành vi vi phạm nghĩa vụ thanh toán tác động tới quyền lợi của doanh nghiệp bạn. Việc gửi giấy đề nghị thanh toán cần thực hiện đúng theo thỏa thuận hợp đồng (nếu có) hoặc lưu giữ tài liệu để chứng minh đã thực hiện việc đề nghị thanh toán tới đối tác nhưng không được giải quyết.

Cách tính lãi suất chậm trả

Thông thường các bên khi giao kết hợp đồng chỉ thỏa thuận về phạt vi phạm, bồi thường hợp đồng ít khi thỏa thuận tiền lãi do chậm thanh toán. Khi xảy ra tranh chấp, nếu có yêu cầu tiền lãi do chậm thanh toán sẽ được áp dụng Điều 306 Luật Thương mại 2005 để làm căn cứ tính lãi. Cụ thể: “Trường hợp bên vi phạm hợp đồng chậm thanh toán tiền hàng hay chậm thanh toán thù lao dịch vụ và các chi phí hợp lý khác thì bên bị vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu trả tiền lãi trên số tiền chậm trả đó theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.”

Về điều kiện để áp dụng yêu cầu tiền lãi do chậm thanh toán: theo quy định tại Điều 306 Luật Thương mại thì chỉ cần có vi phạm hợp đồng chậm thanh toán tiền hàng hay chậm thanh toán thù lao dịch vụ và các chi phí hợp lý khác thì bên bị vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu trả tiền lãi trên số tiền chậm trả, mà không phụ thuộc vào hợp đồng có quy định hay không.

Như vậy, sẽ xảy ra hai trường hợp:

Trường hợp thứ nhất là các bên có thỏa thuận mức lãi trên số tiền chậm thanh toán thì mức lãi này có bị giới hạn trần hay không. Điều 306 Luật Thương mại cho các bên tự thỏa thuận mức lãi nhưng không nói rõ mức lãi này tối đa là bao nhiêu. Tuy nhiên, cần hiểu mức lãi này phải được giới hạn bởi Điều 357 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về trách nhiệm do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền. Theo đó, lãi suất phát sinh do chậm trả tiền được xác định theo thỏa thuận của các bên nhưng không được vượt quá mức lãi suất được quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật này, tức không quá 20%/ năm của khoản tiền chậm thanh toán.

Trường hợp thứ hai, các bên không thỏa thuận về tiền lãi do chậm thanh toán thì sẽ được tính theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả. Lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán được hướng dẫn chi tiết tại Điều 11 Nghị quyết 01/2019 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC. Theo đó, Tòa án sẽ căn cứ vào mức lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường của ít nhất 03 (ba) ngân hàng thương mại (Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam,…) có trụ sở, chi nhánh hoặc phòng giao dịch tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi Tòa án đang giải quyết, xét xử có trụ sở tại thời điểm thanh toán (thời điểm xét xử sơ thẩm) để quyết định mức lãi suất chậm trả. Điều này sẽ phát sinh vấn đề việc lựa chọn ít nhất 3 ngân hàng khác nhau sẽ cho ra mức lãi suất khác nhau, có khi chênh lệch 1-2%. Do đó, đề xuất nếu các bên không thỏa thuận về tiền lãi do chậm thanh toán thì sẽ được điều chỉnh theo khoản 2 Điều 357 Bộ luật Dân sự, cụ thể không quá 10% của khoản tiền chậm thanh toán.

Từ những phân tích nêu trên đề xuất sửa đổi Điều 306 Luật Thương mại theo hướng: “Trường hợp bên vi phạm hợp đồng chậm thanh toán tiền hàng hay chậm thanh toán thù lao dịch vụ và các chi phí hợp lý khác thì bên bị vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu trả tiền lãi trên số tiền chậm trả đó. Mức lãi suất chậm thanh toán theo quy định tại Điều 357 Bộ luật Dân sự 2015.”

Mức phạt chậm thanh toán tiền là bao nhiêu?

Đối với mức lãi suất chậm trả trong quan hệ thương mại áp dụng theo Điều 306 Bộ luật thương mại sẽ bằng lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường. Căn cứ để xác định khái niệm “trung bình trên thị trường” được Tòa án, Trọng tài xác minh và áp dụng cho từng vụ án cụ thể. Năm 2021, căn cứ vào mức lãi suất cho vay tại Vietcombank, Vietinbank và Agribank thì mức lãi suất chậm trả sẽ rơi vào khoảng 10%.

Đối với quan hệ khác, Bộ luật dân sự 2015 đã có sự thay đổi với quy định tại khoản 2 Điều 357 rằng: “Lãi suất phát sinh do chậm trả tiền được xác định theo thỏa thuận của các bên nhưng không được vượt quá mức lãi suất được quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật này; nếu không có thỏa thuận thì thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này”. Trong khi đó khoản 2 Điều 468 BLDS 2015 khẳng định: “Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ”, tức bằng 10%/năm của khoản tiền vay.

Trên đây là một trong những lưu ý cho doanh nghiệp về những trường hợp tranh chấp nghĩa vụ thanh toán, nếu cần tư vấn thêm hãy liên hệ với chúng tôi theo số điện thoại 0988899926 hoặc email: xuanduong@luatdaiviet.vn.

Xem thêm:

 

Dịch vụ khác

ĐIỀU CHỈNH MỤC TIÊU DỰ ÁN ĐẦU TƯ

ĐIỀU CHỈNH MỤC TIÊU DỰ ÁN ĐẦU TƯ

ĐIỀU CHỈNH MỤC TIÊU DỰ ÁN ĐẦU TƯ Mỗi Dự án đầu tư sẽ có những mục tiêu hoạt động riêng biệt, việc điều chỉnh mục tiêu dự án đầu tư sẽ phụ thuộc vào nhu cầu hoạt động kinh doanh, hoạt động sản xuất của Nhà đầu tư hoặc...
Xem chi tiết

Đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực sản xuất phân phối mỹ phẩm

Đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực sản xuất phân phối mỹ phẩm

SẢN XUẤT, PHÂN PHỐI MỸ PHẨM ĐỐI VỚI NHÀ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM Hiện nay, thị tường mỹ phẩm tại Việt Nam đang hoạt động cực kì năng động trong các năm gần đây. Tỷ lệ người dùng mỹ phẩm của Việt Nam đang tăng lên...
Xem chi tiết

Gia hạn giấy chứng nhận đăng ký đầu tư

Gia hạn giấy chứng nhận đăng ký đầu tư

GIA HẠN THỜI HẠN HOẠT ĐỘNG CỦA DỰ ÁN ĐẦU TƯ ĐÃ ĐƯỢC CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN ĐĂNG KÝ ĐẦU TƯ Khi hết thời hạn hoạt động của Dự án đầu tư mà Nhà đầu tư có nhu cầu tiếp tục thực hiện dự án đầu tư cần thực hiện gia hạn....
Xem chi tiết