Câu hỏi 1. Anh Nguyễn Văn T là Giám đốc Công ty may X. Trong thời gian qua, do ảnh hưởng của Covid nên công ty không thể giao hàng cho đối tác đúng thời hạn hợp đồng.
Do đó anh muốn hỏi: việc kéo dài thời hạn, từ chối thực hiện hợp đồng trong trường hợp bất khả kháng được pháp luật thương mại quy định như thế nào?
Trả lời:
Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 đã có quy định một sự kiện được coi là bất khả kháng tại khoản 1 Điều 156:
“Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”.
Điều 296 Luật Thương mại về kéo dài thời hạn, từ chối thực hiện hợp đồng trong trường hợp bất khả kháng quy định:
1. Trong trường hợp bất khả kháng, các bên có thể thoả thuận kéo dài thời hạn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng; nếu các bên không có thoả thuận hoặc không thỏa thuận được thì thời hạn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng được tính thêm một thời gian bằng thời gian xảy ra trường hợp bất khả kháng cộng với thời gian hợp lý để khắc phục hậu quả, nhưng không được kéo dài quá các thời hạn sau đây:
a) Năm tháng đối với hàng hoá, dịch vụ mà thời hạn giao hàng, cung ứng dịch vụ được thoả thuận không quá mười hai tháng, kể từ khi giao kết hợp đồng;
b) Tám tháng đối với hàng hoá, dịch vụ mà thời hạn giao hàng, cung ứng dịch vụ được thoả thuận trên mười hai tháng, kể từ khi giao kết hợp đồng.
2. Trường hợp kéo dài quá các thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 296 Luật Thương mại, các bên có quyền từ chối thực hiện hợp đồng và không bên nào có quyền yêu cầu bên kia bồi thường thiệt hại.
3. Trường hợp từ chối thực hiện hợp đồng thì trong thời hạn không quá mười ngày, kể từ ngày kết thúc thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 296 Luật Thương mại bên từ chối phải thông báo cho bên kia biết trước khi bên kia bắt đầu thực hiện các nghĩa vụ hợp đồng.
4. Việc kéo dài thời hạn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng quy định tại khoản 1 Điều 296 Luật Thương mại không áp dụng đối với hợp đồng mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ có thời hạn cố định về giao hàng hoặc hoàn thành dịch vụ.
Trước hết, phải làm rõ được trường hợp của anh T có thỏa mãn yêu cầu của một sự kiện bất khả kháng hay không. Anh T bắt buộc phải chứng minh nghĩa vụ không thực hiện được do sự kiện đó có nguyên nhân trực tiếp từ dịch Covid 19 và phải: xảy ra một cách khách quan; không thể lường trước được và không thể khắc phục được.
Nếu doanh nghiệp của anh T không chứng minh đủ các điều kiện bất khả kháng, trong trường hợp anh T muốn từ chối thực hiện hợp đồng, rất có thể anh T sẽ là bên vi phạm hợp đồng và chịu hậu quả pháp lý từ việc này.
Pháp luật luôn khuyến khích các bên hợp tác một cách có trách nhiệm và thiện chí, do đó Luật Thương mại đã quy định thêm một khoảng thời gian cho hai bên kéo dài việc thực hiện Hợp đồng. Vì việc không thực hiện hợp đồng đúng như quy định có thể gây ra nhiều hệ quả cho các bên ký kết, do đó, hai bên cần cân nhắc đưa ra một phương án hợp lý nhất để điều chỉnh hợp đồng, tránh gây ra thiệt hại một cách tối đa khi vẫn còn thiện chí hợp tác.
Câu hỏi 2. Chị Trần Thị H là Giám đốc Công ty TNHH P, tháng 10 năm 2020 công ty chị có ký hợp đồng mua 1000 tấn gạo với Công ty lương thực HT. Tuy nhiên, đến nay Công ty HT vẫn không thực hiện đúng hợp đồng đã ký kết.
Do đó, chị H hỏi: pháp luật về thương mại quy định như thế nào về buộc thực hiện hợp đồng?
Trả lời:
Điều 297 Luật Thương mại quy định về buộc thực hiện đúng hợp đồng:
1. Buộc thực hiện đúng hợp đồng là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm thực hiện đúng hợp đồng hoặc dùng các biện pháp khác để hợp đồng được thực hiện và bên vi phạm phải chịu chi phí phát sinh.
2. Trường hợp bên vi phạm giao thiếu hàng hoặc cung ứng dịch vụ không đúng hợp đồng thì phải giao đủ hàng hoặc cung ứng dịch vụ theo đúng thoả thuận trong hợp đồng. Trường hợp bên vi phạm giao hàng hoá, cung ứng dịch vụ kém chất lượng thì phải loại trừ khuyết tật của hàng hoá, thiếu sót của dịch vụ hoặc giao hàng khác thay thế, cung ứng dịch vụ theo đúng hợp đồng. Bên vi phạm không được dùng tiền hoặc hàng khác chủng loại, loại dịch vụ khác để thay thế nếu không được sự chấp thuận của bên bị vi phạm.
3. Trong trường hợp bên vi phạm không thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 297 Luật Thương mại thì bên bị vi phạm có quyền mua hàng, nhận cung ứng dịch vụ của người khác để thay thế theo đúng loại hàng hoá, dịch vụ ghi trong hợp đồng và bên vi phạm phải trả khoản tiền chênh lệch và các chi phí liên quan nếu có; có quyền tự sửa chữa khuyết tật của hàng hoá, thiếu sót của dịch vụ và bên vi phạm phải trả các chi phí thực tế hợp lý.
4. Bên bị vi phạm phải nhận hàng, nhận dịch vụ và thanh toán tiền hàng, thù lao dịch vụ, nếu bên vi phạm đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo quy định tại khoản 2 Điều 297 Luật Thương mại.
5. Trường hợp bên vi phạm là bên mua thì bên bán có quyền yêu cầu bên mua trả tiền, nhận hàng hoặc thực hiện các nghĩa vụ khác của bên mua được quy định trong hợp đồng và trong Luật Thương mại.
Như vậy, pháp luật về thương mại quy định về buộc thực hiện hợp đồng theo các trường hợp như đã nêu trên.
____________________________
Để được hỗ trợ và tư vấn chi tiết, Quý khách hàng vui lòng liên hệ chúng tôi quahotline +84 9888 999 26 hoặc email xuanduong@luatdaiviet.vn
Phòng Pháp luật Doanh nghiệp (VnLaw) – Công ty Luật TNHH Đại Việt
Địa chỉ: Số 09 Vạn Phúc, Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội