VỤ KẸO KERA – PHÂN TÍCH PHÁP LÝ CHI TIẾT
Gần đây, Hoa hậu Thùy Tiên bị cáo buộc liên quan đến vụ sản xuất và buôn bán kẹo rau củ Kera – một sản phẩm được quảng bá rầm rộ với công dụng hỗ trợ sức khỏe. Tuy nhiên, qua điều tra, Bộ Công an phát hiện các sản phẩm này không đảm bảo chất lượng, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng. Cùng Luật sư phân tích chi tiết vụ án, quy định pháp luật, và những hậu quả mà Hoa hậu này có thể phải đối diện.
-
Bối cảnh vụ việc
Ngày 19/5, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tối bị can đối với Hoa hậu Thùy Tiên liên quan đến vụ án sản xuất và buôn bán kẹo rau củ Kera – một sản phẩm được quảng bá rầm rộ với công dụng hỗ trợ sức khỏe. Tuy nhiên, qua điều tra phát hiện các sản phẩm này không đạt tiêu chuẩn chất lượng, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng.
Theo các thông tin ban đầu, Thùy Tiên không chỉ là gương mặt đại diện, mà còn có vai trò trực tiếp trong việc kinh doanh và phân phối sản phẩm này. Tổng số tiền mà Hoa hậu Thùy Tiên thu lợi bất chính từ vụ việc được ước tính lên tới gần 7 tỷ đồng.
-
Căn cứ pháp lý
Vụ việc được xem xét dưới góc độ vi phạm pháp luật hình sự và có dấu hiệu cầu thành tội “Tội lừa dối khách hàng” theo Điều 198 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), quy định chi tiết:
“Điều 198. Tội lừa dối khách hàng
- Người nào trong việc mua, bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ mà cân, đong, đo, đếm, tính gian hàng hóa, dịch vụ hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:
- a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
- b) Thu lợi bất chính từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
- a) Có tổ chức;
- b) Có tính chất chuyên nghiệp;
- c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
- d) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.
- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
- Phân tích pháp lý
Hành vi để cấu thành nên tội “Tội lừa dối khách hàng” theo Điều 198 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) trong vụ việc án Sản xuất hàng giả là thực phẩm xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Chị Em Rọt và Công ty cổ phần Asia Life thì cơ quan điều tra phải chứng minh được các hành vi của Hoa hậu Thùy Tiên bao gồm:
- Quảng cáo sai sự thật: Các thông tin về công dụng “tuyệt vời” của kẹo Kera được cho là không có cơ sở khoa học. Việc thổi phồng công dụng có thể bị xem là thủ đoạn gian dối.
- Chất lượng sản phẩm không đảm bảo: Theo báo cáo, kẹo Kera chứa thành phần không đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
- Hậu quả gây ra đối với người tiêu dùng bị lừa dối bởi thông tin quảng cáo và mua phải sản phẩm kém chất lượng. Nếu thiệt hại sức khỏe hoặc tài chính được chứng minh, đây sẽ là căn cứ buộc tội mạnh mẽ.
- Mục đích để thu được lợi nhuận với số tiền gần 7 tỷ đồng,
Căn cứ vào các dấu hiệu trên, nếu Hoa hậu Thùy Tiên có các dấu hiệu cấu thành tội thì có thể đối diện mức án từ 1 đến 5 năm tù. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 13 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về nguyên tắc suy đoán vô tội trong tố tụng hình sự, người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Như vậy, theo quy định nêu trên, người bị buộc tội hay người mới bị khởi tố về hình sự thì chưa được xem là tội phạm. Chỉ khi đã chứng minh được họ phạm tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật thì người bị buộc tội hay người bị khởi tố về hình sự mới được xem là tội phạm.
Ngoài ra, cần làm rõ vai trò của Hoa hậu Thùy Tiên trong vụ án này. Nếu Thùy Tiên chỉ là người đại diện hình ảnh, không tham gia vận hành, không biết hoặc không thể biết về chất lượng sản phẩm, thì không đủ yếu tố cấu thành tội danh. Tuy nhiên, nếu có chứng cứ cho thấy cô tham gia trực tiếp hoạt động kinh doanh, quyết định sản xuất, hoặc biết rõ sai phạm mà vẫn tiếp tục hợp tác, thì hoàn toàn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Kết Luận: Vụ việc kẹo Kera đặt ra nhiều câu hỏi về trách nhiệm pháp lý của các nghệ sĩ khi tham gia kinh doanh. Nếu bị kết tội, đây sẽ là bài học lớn cho các cá nhân nổi tiếng trong việc lựa chọn đối tác và sản phẩm để đại diện. Đồng thời, vụ việc cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trước những sản phẩm kém chất lượng.
Để biết thêm những thông tin pháp lý, hãy liên hệ qua hotline: +84 933668166 hoặc gửi yêu cầu qua email: xuanduong@luatdaiviet.vn
Phòng Pháp luật Doanh nghiệp – Công ty Luật TNHH Đại Việt
Địa chỉ: Số 09 Vạn Phúc, Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội
Tham khảo bài viết:
* Góc nhìn pháp lý về hành vi quay lén camera trong nhà vệ sinh