TƯ VẤN SOẠN THẢO HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG
Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động (NSDLĐ) về việc làm có trả lương, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động. Khi thỏa thuận, ký kết hợp đồng lao động, các bên cần xem xét kỹ lưỡng để có thể bảo vệ tối đa lợi ích của bản thân. Dưới đây chúng tôi sẽ tư vấn cho quý khách hàng về cách thức soạn thảo hợp đồng lao động hợp pháp cũng như những lưu ý khi tham gia soạn thảo và ký kết hợp đồng lao động.
1. Loại hợp đồng lao động
Theo quy định tại Điều 20 Bộ luật Lao động năm 2019, hợp đồng lao động được giao kết theo một trong các loại sau đây:
- Hợp đồng lao động không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng;
- Hợp đồng lao động xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong thời gian không quá 36 tháng kể từ thời điểm có hiệu lực của hợp đồng.
Lưu ý: Đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn hết hạn trường hợp hai bên ký kết hợp đồng lao động mới là hợp đồng lao động xác định thời hạn thì cũng chỉ được ký thêm 01 lần, sau đó nếu người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì phải ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn.
2. Hình thức hợp đồng lao động
- Hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản và được làm thành 02 bản, người lao động giữ 01 bản, người sử dụng lao động giữ 01 bản.
- Hợp đồng lao động được giao kết thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử có giá trị như hợp đồng lao động bằng văn bản.
- Hai bên có thể giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói đối với hợp đồng có thời hạn dưới 01 tháng, trừ trường hợp:
+ Đối với công việc theo mùa vụ, công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng thì nhóm người lao động từ đủ 18 tuổi trở lên có thể ủy quyền cho một người lao động trong nhóm để giao kết hợp đồng lao động; trong trường hợp này, hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản và có hiệu lực như giao kết với từng người lao động.
Hợp đồng lao động do người được ủy quyền ký kết phải kèm theo danh sách ghi rõ họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú và chữ ký của từng người lao động.
+ Khi sử dụng người chưa đủ 15 tuổi làm việc, NSDLĐ phải giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người chưa đủ 15 tuổi và người đại diện theo pháp luật của người đó.
+ Trường hợp lao động là người giúp việc gia đình, người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản với lao động là người giúp việc gia đình.
3. Chủ thể tham gia giao kết hợp đồng lao động
Đối với người sử dụng lao động
Người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động là người thuộc một trong các trường hợp sau:
- Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã;
- Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức theo quy định của pháp luật;
- Chủ hộ gia đình;
- Cá nhân trực tiếp tuyển dụng.
Đối với người lao động
Người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động là người thuộc một trong các trường hợp sau:
- Người lao động từ đủ 18 tuổi trở lên;
- Người lao động chưa thành niên từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi và có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật của người lao động;
- Người đại diện theo pháp luật đối với người dưới 15 tuổi và có sự đồng ý của người dưới 15 tuổi;
- Người lao động được những người lao động trong nhóm ủy quyền hợp pháp giao kết hợp đồng lao động.
4. Điều khoản cơ bản trong hợp đồng lao động
Hợp đồng lao động là sự tự do thỏa thuận theo ý chí của người lao động và người sử dụng lao động, do đó, các bên được quyền tự do thỏa thuận và ký kết những điều khoản trong hợp đồng để phù hợp với điều kiện và tính chất công việc. Tuy nhiên, về cơ bản nội dung một hợp đồng lao động cần có các điều khoản sau:
- Thông tin Các Bên trong hợp đồng
- Công việc và địa điểm làm việc
- Thời hạn của hợp đồng lao động
- Mức lương, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác
- Chế độ nâng ngạch, nâng bậc, nâng lương
- Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi
- Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế
- Các điều khoản khác do hai bên thỏa thuận
5. Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật Dân sự năm 2015;
- Bộ luật Lao động năm 2019;
- Nghị định 145/2020/NĐ-CP hướng dẫn Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động;
____________________________
Tham khảo:
Để được hỗ trợ và tư vấn chi tiết, Quý khách hàng vui lòng liên hệ chúng tôi quahotline +84 9888 999 26 hoặc email xuanduong@luatdaiviet.vn
Phòng Pháp luật Doanh nghiệp (VnLaw) – Công ty Luật TNHH Đại Việt
Địa chỉ: Số 09 Vạn Phúc, Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội