Câu hỏi:
Công ty tôi và một doanh nghiệp A có ký kết một Hợp đồng mua bán hàng hóa. Đến ngày hẹn giao hàng, doanh nghiệp A đã giao sai lệch loại hàng hóa mà chúng tôi cần, Cho đến thời điểm hiện tại, doanh nghiệp A vẫn không tiến hành giao lại hàng cũng không trả lại số tiền đặt cọc mà chúng tôi đã thanh toán giai đoạn 1.
1. Tôi muốn hỏi làm thế nào để đơn phương chấm dứt Hợp đồng thương mại đúng pháp luật?
2. Đơn phương chấm dứt hợp đồng và hủy bỏ hợp đồng có điểm khác và giống nhau như thế nào?
Xin cảm ơn.
Trả lời:
1. Đơn phương chấm dứt Hợp đồng thương mại đúng pháp luật
Khoản 1 Điều 428 Bộ luật Dân sự 2015 quy định, một bên được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại khi:
- Bên còn lại vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trong hợp đồng;
- Các bên có thỏa thuận trường hợp nào được đơn phương và bên đơn phương đã thực hiện theo thỏa thuận đó;
- Pháp luật có quy định. Đối với từng loại hợp đồng cụ thể thì pháp luật sẽ quy định trường hợp nào được đơn phương chấm dứt.
Luật thương mại cũng quy định tại Điều 310 Luật thương mại 2005 về đình chỉ thực hiện hợp đồng (việc một bên chấm dứt thực hiện nghĩa vụ hợp đồng) (trừ các trường hợp hành vi vi phạm được miễn trách tại Điều 294) như sau:
- Xảy ra hành vi vi phạm mà các bên đã thoả thuận là điều kiện để đình chỉ hợp đồng;
- Một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng.
Ngoài ra, để đơn phương chấm dứt hợp đồng thương mại đúng luật, ngoài việc thuộc các trường hợp được quy định tại Bộ luật Dân sự 2015 và Luật Thương mại 2005; bên đơn phương chấm dứt Hợp đồng cần tuân thủ nghĩa vụ thông báo cho bên kia biết về việc chấm dứt hợp đồng (theo khoản 2 Điều 428 BLDS 2015), trường không thông báo mà gây thiệt hại thì bên đơn phương chấm dứt Hợp đồng có nghĩa vụ bồi thường.
2. Sự khác biệt giữa Đơn phương chấm dứt Hợp đồng và hủy bỏ hợp đồng
Đơn phương chấm dứt hợp đồng thương mại và hủy bỏ hợp đồng thương mại là hai chế tài hoàn toàn khác nhau và riêng biệt trong luật điều chỉnh về hợp đồng thương mại.
2.1. Điểm tương đồng:
– Hậu quả pháp lý: kết thúc việc thực hiện Hợp đồng, không phải bồi thường khi một bên vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trong hợp đồng.
– Thể hiện ý chí đơn phương của 01 bên trong Hợp đồng
– Có nghĩa vụ thông báo cho bên kia biết về việc chấm dứt hoặc hủy bỏ, nếu không thông báo mà gây thiệt hại thì phải bồi thường
2.2. Điểm khác biệt:
- Hủy bỏ hợp đồng
– Căn cứ hủy bỏ: Do chậm thực hiện nghĩa vụ; không có khả năng thực hiện; tài sản bị hư hại, bị hỏng, bị mất.
– Điều kiện áp dụng: Phải có hành vi vi phạm hợp đồng.
– Hệ quả pháp lý: Hợp đồng không có hiệu lực từ thời điểm giao kết, các bên không phải thực hiện nghĩa vụ đã thỏa thuận; Các bên hoàn trả cho nhau những gì đã nhận sau khi trừ chi phí hợp lý trong thực hiện hợp đồng và chi phí bảo quản, phát triển tài sản.
- Đơn phương chấm dứt hợp đồng
– Căn cứ chấm dứt: Một bên vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trong hợp đồng; hai bên thỏa thuận; pháp luật quy định
– Điều kiện áp dụng: Không bắt buộc phải có sự vi phạm hợp đồng (hai bên có thể thỏa thuận trong Hợp đồng hoặc trường hợp khác do pháp luật quy định).
– Hệ quả pháp lý: Hợp đồng chấm dứt kể từ thời điểm bên kia nhận được thông báo chấm dứt; Các bên không phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ nữa, các công việc các bên đã thực hiện vẫn được ghi nhận và phải thanh toán đầy đủ.
____________________________
Tham khảo:
Để được hỗ trợ và tư vấn chi tiết, Quý khách hàng vui lòng liên hệ chúng tôi quahotline +84 9888 999 26 hoặc email xuanduong@luatdaiviet.vn
Phòng Pháp luật Doanh nghiệp (VnLaw) – Công ty Luật TNHH Đại Việt
Địa chỉ: Số 09 Vạn Phúc, Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội