HƯỚNG DẪN TRA CỨU SƠ BỘ NHÃN HIỆU TẠI VIỆT NAM VÀ WIPO CHỈ ĐỊNH VIỆT NAM
I. Tra cứu nhãn hiệu tại Việt Nam
Cơ sở dữ liệu sử dụng chính:
- Iplib: http://iplib.noip.gov.vn/WebUI/WSearch.php# (chính)
- Ipplatform: http://ipplatform.vipri.gov.vn/database/nhan-hieu (tham khảo)
Trên trang iplib, có thể nhấn vào chữ trợ giúp màu đỏ ở góc trên bên phải, để đọc thêm hướng dẫn sử dụng trang web và một số mẹo tìm kiếm.
1. Xác định nhóm sản phẩm/dịch vụ
– Trước khi tiến hành tra cứu cần xác định được các sản phẩm, dịch vụ của khách hàng thuộc nhóm nào để tra cứu phù hợp.
– Xác định sản phẩm, dịch vụ theo bảng phân loại NICE phiên bản mới nhất mà Cục SHTT update.
– Nếu không có trong NICE thì tham khảo trên iplib, tra cứu theo trường “sản phẩm/dịch vụ” và gõ tên sản phẩm/dịch vụ vào. Thêm dấu ngoặc kép “” nếu cần chính xác tên sản phẩm/dịch vụ đó. Khoanh vùng ngày nộp đơn từ 2018, 2019 trở lại bằng dấu “>=”.
Ví dụ với sản phẩm “thực phẩm chức năng”, tra như sau:
Nếu không thêm dấu ngoặc kép thì kết quả sẽ trả về tất cả các nhãn có sản phẩm/dịch vụ chứa từng chữ “thực”, “phẩm”, “chức”, “năng”, sẽ cho ra rất nhiều kết quả.
Khoanh vùng ngày nộp đơn gần để biết được quan điểm thẩm định gần nhất của Cục SHTT.
- Nếu trên iplib cũng không có, thì tiến hành phân loại sản phẩm/dịch vụ theo cách sau:
Với sản phẩm:
a) Tra theo sản phẩm tương tự. Một sản phẩm cụ thể về nguyên tắc được phân nhóm dựa vào chức năng hoặc mục đích của nó. Nếu chức năng hoặc mục đích của sản phẩm không được nêu trong bất kỳ tiêu đề của nhóm nào thì nó sẽ được phân loại dựa vào sự tương tự với một sản phẩm khác được nêu trong Danh mục theo vần chữ cái. Nếu không tìm được thì các tiêu chí khác để tìm sẽ là vật liệu làm nên sản phẩm hoặc phương thức hoạt động của sản phẩm đó.
b) Tra theo công năng và mục đích sử dụng. Nếu sản phẩm có nhiều mục đích sử dụng (ví dụ: Đồng hồ kết hợp Rađio) thì sẽ được phân vào tất cả các nhóm tương thích về chức năng hoặc công dụng.
c) Nguyên vật liệu thô, chưa chế biến hoặc bán chế, về nguyên tắc được phân loại phụ thuộc vào nguyên vật liệu cấu tạo nên chúng.
d) Một hàng hoá là một bộ phận của một sản phẩm khác, về nguyên tắc được phân cùng nhóm với sản phẩm đó chỉ trong trường hợp hàng hoá đó không được sử dụng cho một mục đích khác. Trong các trường hợp ngược lại, nguyên tắc nêu trong mục (a) được áp dụng.
e) Khi một sản phẩm, hoàn chỉnh hay chưa được hoàn chỉnh, được phân loại theo chất liệu làm nên nó, xét về nguyên tắc sản phẩm đó sẽ được phân loại theo chất liệu chiếm chủ yếu trong sản phẩm.
f) Các hộp dùng đựng một loại sản phẩm thì về nguyên tắc được phân loại cùng nhóm với sản phẩm đó. (ví dụ: Hộp đựng bút-nhóm 16; Hộp đựng kim-nhóm 26).
g) Tra phương thức hoạt động của sản phẩm.
Với dịch vụ:
a) Các dịch vụ về nguyên tắc được phân loại dựa vào các ngành hoạt động được chỉ rõ trong tiêu đề của các nhóm dịch vụ trong Danh mục các nhóm hoặc theo Phần giải thích, nếu không có thì được phân loại theo một dịch vụ tương tự nêu trong Danh mục theo vần chữ cái.
b) Các dịch vụ cho thuê về nguyên tắc được phân cùng nhóm với dịch vụ được cung cấp bởi phương tiện cho thuê (ví dụ: “Cho thuê điện thoại” sẽ thuộc dịch vụ Nhóm 38).
c) Các dịch vụ cung cấp tư vấn, thông tin về nguyên tắc được phân loại vào cùng nhóm với các dịch vụ tương ứng với lĩnh vực tư vấn, thông tin [ví dụ: Tư vấn về giao thông (Nhóm 39), tư vấn quản lý kinh doanh (Nhóm 35), tư vấn tài chính (nhóm 36)]. Việc tiến hành các dịch vụ tư vấn, thông tin bằng các phương tiện điện tử (ví dụ: điện thoại, máy tính…) sẽ không làm ảnh hưởng đến nguyên tắc phân loại trên.
d) Dịch vụ liên quan đến mua bán các loại hàng hóa hoặc dịch vụ siêu thị tuy không được đề cập cụ thể trong Bảng phân loại Ni-xơ nhưng được phân loại vào nhóm 35 dựa trên Phần giải thích đi kèm nhóm này của Bảng phân loại [Nhóm 35 đặc biệt gồm cả: Dịch vụ tập hợp và trưng bày các loại hàng hoá khác nhau (không kể vận chuyển) vì lợi ích của khách hàng để họ dễ xem và mua các hàng hoá này; các dịch vụ này có thể được cung cấp tại các cửa hàng bán lẻ, bán buôn hàng hoá hoặc thông qua thư đặt hàng từ ca-ta-lô hoặc thông qua các phương tiện truyền thông điện tử, ví dụ: trang web hoặc các chương trình mua bán trên tivi].
- Sau khi có được danh mục hoàn chỉnh, tiến hành tra cứu.
2. Tra cứu phần chữ
– Ưu tiên tra nhãn trùng, sử dụng dấu ngoặc kép để tra nhãn trùng cho nhóm trùng trước tiên.
– Nhập tên nhãn đặt trong dấu “” vào trường “Nhãn hiệu tìm kiếm” hoặc “Từ khóa”.
– Nhập số nhóm vào trường “nhóm sản phẩm/dịch vụ”. Có thể nhiều nhóm cùng lúc.
- Ấn vào số đơn, sẽ có được thông tin chi tiết của từng nhãn.
- Sau khi tra nhãn trùng, thì tra đến các nhãn tương tự và các nhóm liên quan.
- Sử dụng dấu * để thay thế cho 1 hoặc nhiều ký tự, dấu * có thể đứng trước, đứng giữa, hoặc đứng sau một số ký tự.
- Sử dụng dấu _ để thay thế cho 1 ký tự.
- Nghĩ ra tất cả các cách để nhãn hiệu có thể bị coi là tương tự gây nhầm lẫn đối với nhãn hiệu đăng ký, rồi tra cứu theo đó.
3. Tra cứu phần hình
– Việt Nam sử dụng bảng phân loại hình Vienna đối với phần hình trong nhãn hiệu. Cần tải bảng phân loại hình Vienna phiên bản mới nhất trên mạng về và lưu trong máy tính để dùng khi tra cứu.
– Khi nhãn hiệu của khách hàng có phần hình, cần tìm mã hình theo bảng phân loại và tiến hành tra cứu.
– Trong nhãn hiệu, nhìn thấy có hình nào thì tìm tất cả các mã hình của hình nhìn thấy để tra cứu.
– Nếu một hình ảnh có thể được nhìn thành các cách khác nhau, ví dụ như một hình trông vừa giống ngôi sao năm cánh, vừa giống hình bông tuyết, thì cần tìm mã hình của cả hình ngôi sao và hình bông tuyết để tra cứu.
– Sử dụng Ctrl+F trong bảng Vienna để tìm kiếm mã hình.
– Nhập mã hình, ví dụ 01.01.01 vào trường “Phân loại hình Vienna” để tra cứu.
– Có thể kết hợp nhiều mã hình cùng một lúc để thu hẹp kết quả, để cho ra kết quả chính xác nhất.
– Có thể sử dụng dấu * cho mã hình, ví dụ 03.05.01 là mã hình con thỏ, có thể tra mã 03* để ra các kết quả trong lớp “Động vật”.
– Khi tra được một nhãn gần giống nhãn của khách hàng, có thể tham khảo mã hình của nhãn đó, xem thẩm định viên phân loại hình cho nhãn đó vào những mã hình nào và sử dụng các mã đó để tra cứu. Vì có thể tự mình phân loại bị sót.
– Khi tra cứu phần hình, ấn tra cứu và ra được một danh sách, thì ấn vào “Hiển thị dạng ảnh” để xem danh sách nhãn hiệu dưới dạng hình ảnh, sẽ dễ nhìn hơn.
II. Tra cứu WIPO chỉ định Việt Nam
Link: https://www3.wipo.int/madrid/monitor/en/
Ấn vào Advanced Search.
Tương tự như ở VN, nhập các ô “trademark”, “Nice”, “Vienna” phù hợp với thông tin nhãn hiệu cần tra cứu.
Ô “Designation”, nhập “VN”. Nghĩa là chỉ định Việt Nam.
Các kết quả tìm được sẽ cho ra các nhãn tương ứng chỉ định Việt Nam.
Ở trang “Real-time Status” sẽ thấy được tình trạng từ chối/thông báo cấp bằng tại từng quốc gia của nhãn hiệu.
Ấn vào số WIPO reference, sau đó ấn vào biểu tượng file màu đỏ, sẽ đọc được bản pdf của thông báo từ chối/thông báo cấp bằng của nhãn hiệu (nếu WIPO có upload).
Ấn vào biểu tượng đỏ trong hình, sẽ ra toàn văn thông báo cấp bằng tại Norway của nhãn trên.
Tuy nhiên ở Việt Nam không có thông báo nào cho nhãn này.
Quay lại trang Full Details ban đầu, kéo xuống dưới sẽ có tóm tắt tình trạng của nhãn hiệu:
Có thể xem được nhãn hiện tại đang chỉ định những quốc gia nào. Những quốc gia nào được chấp nhận, những quốc gia nào bị từ chối.
Ấn vào chữ VN, kết quả hiển thị như sau:
Thông tin về nhãn hiệu cho thấy, tại Việt Nam, “The refusal period has expired and no notification of provisional refusal has been recorded (application of Rule 5 preserved)”.
Như vậy, tại Việt Nam, đã hết thời hạn từ chối mà không có thông báo từ chối được đưa ra, do đó nhãn hiệu đã tự động được bảo hộ.
____________________________
Để được hỗ trợ và tư vấn chi tiết, Quý khách hàng vui lòng liên hệ chúng tôi quahotline +84 9888 999 26 hoặc email xuanduong@luatdaiviet.vn
Phòng Pháp luật Doanh nghiệp (VnLaw) – Công ty Luật TNHH Đại Việt
Địa chỉ: Số 09 Vạn Phúc, Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội