LÃI SUẤT THEO QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT DÂN SỰ NĂM 2015
Bộ luật dân sự năm 2015 có 06 điều quy định về lãi suất trong các hợp đồng vay tài sản, bao gồm các điều 357, 466, 467, 468, 469, 470. Ngoài ra, đối với các tổ chức tín dụng còn có 01 điều luật chuyên ngành điều chỉnh (Điều 91 Luật tổ chức tín dụng)..
NHỮNG QUY ĐỊNH MỚI VỀ LÃI SUẤT THEO QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT DÂN SỰ NĂM 2015
Bộ luật dân sự năm 2015 có 06 điều quy định về lãi suất trong các hợp đồng vay tài sản, bao gồm các điều 357, 466, 467, 468, 469, 470. Ngoài ra, đối với các tổ chức tín dụng còn có 01 điều luật chuyên ngành điều chỉnh (Điều 91 Luật tổ chức tín dụng).
-
Về mức lãi suất
Khoản 1 Điều 468 BLDS quy định: Lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác…Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực”. Như vậy, lãi suất tối đa trong các hợp đồng vay tài sản các bên được thỏa thuận theo BLDS mới không quá 20%/năm (tức 1,7%/tháng).
Tại khoản 1 Điều 476 BLDS năm 2005 quy định: “Lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng”. Tại Quyết định số 2868/QĐ-NHNN ngày 29/11/2010 của Ngân hàng nhà nước Việt Nam thì mức lãi suất cơ bản là 9%/01 năm, tức là 0,75%/01 tháng. Lãi suất cao nhất các bên đương sự được thỏa thuận theo quy định tại khoản 1 Điều 476 là 1,125%/01 tháng (tức 13,5%/01 năm).
So sánh quy định về lãi suất giữa BLDS năm 2005 và BLDS năm 2015 thấy: BLDS năm 2015 quy định luôn mức lãi suất cao nhất được thỏa thuận trong các hợp đồng dân sự vay tài sản là 20%, không phụ thuộc vào mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước quy định. Mức lãi suất theo BLDS năm 2015 cao hơn so với BLDS năm 2005 mục đích giảm thiểu sự chênh lệch về mức lãi suất trong các hợp đồng dân sự thông dụng với các hợp đồng tín dụng, bình đẳng hóa giữa các chủ thể khi tham gia vào các giao dịch vay tài sản.
Đối với các hợp đồng tín dụng, lãi suất được quy định tại Luật chuyên ngành. Tại Điều 91 Luật các tổ chức tín dụng quy định: ” Tổ chức tín dụng được quyền ấn định và phải niêm yết công khai mức lãi suất huy động vốn….Tổ chức tín dụng và khách hàng có quyển thỏa thuận về lãi suất…theo quy định của pháp luật”. Quy định này xuất phát từ đặc điểm kinh doanh thu lợi nhuận từ việc cho vay của các tổ chức tín dụng. Thực tế giải quyết các tranh chấp hợp đồng tín dụng, đã có nhiều vụ án Tòa án chấp nhận mức lãi suất 15%/năm …
-
Về trường hợp không rõ về lãi suất hoặc có tranh chấp về lãi suất
Theo quy định mới tại khoản 2 Điều 468 BLDS năm 2015 thì trường hợp không rõ hoặc có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất theo quy định tại khoản 1 Điều 468. Theo quy định này mức lãi suất trong trường hợp không rõ hoặc có tranh chấp sẽ là 10%/01 năm (tức 0,83%/tháng).
So với quy định cũ tại khoản 2 Điều 476 BLDS năm 2005 thì trường hợp không rõ về lãi suất hoặc các bên đương sự có tranh chấp về lãi suất thì áp dụng lãi suất cơ bản do ngân hàng nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ. Theo quy định này thì mức lãi suất có tranh chấp là 0,75%/01 tháng. Như vậy, mức lãi suất trong trường hợp không rõ hoặc có tranh chấp về lãi suất theo quy định của BLDS năm 2015 không phụ thuộc vào lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước và mức lãi lớn hơn so với quy định của BLDS năm 2005.
-
Về thực hiện nghĩa vụ trả nợ quá hạn
* Trường hợp vay không có lãi quá hạn
– Theo quy định tại khoản 4 Điều 475 BLDS năm 2005 thì trường hợp vay không có lãi: Nếu khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi đối với khoản nợ chậm trả theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn chậm trả tại thời điểm trả nợ. Theo quy định trên trường hợp vay không có lãi, nếu quá hạn bên vay sẽ phải chịu lãi mức là 0,75%/tháng.
– Theo quy định tại khoản 4 Điều 466 BLDS năm 2015 quy định: Trường hợp vay không lãi. Nếu quá hạn vay, người vay phải chịu mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này (tức là bằng 50% mức lãi suất so với lãi suất vay tối đa do các bên thỏa thuận). Trường hợp này mức lãi suất được áp dụng giống như trường hợp không rõ hoặc có tranh chấp về lãi suất.
* Trường hợp vay có lãi quá hạn
– Theo quy định cũ, tại khoản 5 Điều 474 BLDS năm 2005 quy định: Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả thì bên vay phải trả lãi trên nợ gốc và lãi nợ quá hạn theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ. Như vậy, lãi suất quá hạn theo quy định cũ thấp hơn lãi suất tối đa mà các bên được thỏa thuận (Bên vay chỉ phải chịu lãi suất 0,75%). Điều này mâu thuẫn với lãi suất trong hạn tối đa mà các bên được thỏa thuận, không bảo vệ quyền lợi cho bên cho vay; tạo điều kiện cho bên đi vay chây ỳ trách nhiệm trả nợ.
– Theo quy định mới: Tại điểm b khoản 5 Điều 466 BLDS năm 2015 quy định: “Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc tả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau:
- Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tịa khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này;
- Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.
Như vậy, Bộ luật mới quy định rõ 2 trường hợp vay có lãi khi đến hạn mà không trả. Trường hợp thứ nhất, đối với tiền lãi phát sinh trong hạn chưa trả thì phải chịu lãi suất như trong trường hợp không rõ hoặc có tranh chấp về lãi suất (10%/năm). Đối với trường hợp lãi quá hạn chưa trả thì bên vay phải chịu mức lãi suất bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng (ví dụ: Mức lãi trong hợp đồng là 1%, quá hạn sẽ là 1,5%). Như vậy, theo quy định mới thì bên vay phải trả lãi suất quá hạn trong trường hợp vay có lãi là 150%, so với lãi suất theo hợp đồng các bên đã thỏa thuận (ví dụ: Lãi suất trong hạn các bên thỏa thuận với nhau là 20%, nếu đến hạn bên vay không trả được sẽ phải chịu lãi suất 20% x 150% = 30%,năm). Với quy định này sẽ thúc đẩy được trách nhiệm trả nợ của bên vay, bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của người cho vay, phù hợp với xu thế của thực tiễn trong các giao dịch tranh chấp hợp đồng vay tài sản.
Lưu ý, trong quá trình thực hiện công tác kiểm sát đối với các tranh chấp hợp đồng vay tài sản, cần xem xét bên cho vay thường lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của người đi vay để buộc họ phải chịu lãi suất cao. Nếu có dấu hiệu tội phạm hình sự, cần kiến nghị Cơ quan điều tra khởi tố vụ án hình sự theo quy định tại Điều 201 BLHS năm 2015 về tội “Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”
Trên đây là giới thiệu 01 số quy định về lãi suất theo BLDS năm 2015. Cần phải hiểu đúng để vận dụng trong việc giải quyết tranh chấp về hợp đồng vay tài sản./.
Công ty Luật TNHH Đại Việt
Phòng Pháp luật Doanh nghiệp (vnlaw) tầng 5 tòa nhà số 9 Vạn Phúc, Ba Đình, Hà Nội
Luật sư Phạm Xuân Dương – Phó giám đốc
Mobile: 0933668166; zalo: 0933668166
Email: xuanduong@luatdaiviet.vn
Tham khảo: