Tin tức

Khi sản xuất hàng hóa xuất khẩu xử lý phế phẩm, doanh nghiệp có phải thông báo cho cơ quan hải quan hay không?

Công ty em trên Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thể hiện ngành nghề kinh doanh là sản xuất để xuất khẩu (không trực tiếp bán trong nước). Vậy hằng tháng, hằng quý hoặc hằng năm có cần nộp báo cáo gì cho cơ quan hải quan và khi công ty có phế liệu, phế phẩm cần bán trong nước hoặc tiêu hủy thì phải làm gì có phải làm văn bản gì thông báo cho cơ quan hải quan hay không?

Doanh nghiệp sản xuất hàng hóa xuất khẩu phải nộp báo cáo gì hằng năm cho cơ quan hải quan?

Căn cứ khoản 2 và khoản 3 Điều 55 Thông tư 38/2015/TT-BTC (Được sửa đổi bởi khoản 35 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC) quy định về việc thông báo định mức thực tế của lượng sản phẩm đã sản xuất theo năm tài chính cho cơ quan hải quan như sau:

Định mức thực tế sản xuất hàng hóa gia công, hàng hóa sản xuất xuất khẩu

1. Định mức thực tế sản xuất là lượng nguyên liệu, vật tư thực tế đã sử dụng để gia công, sản xuất một đơn vị sản phẩm xuất khẩu và được xác định theo quy định tại mẫu số 27 Phụ lục II ban hành kèm Thông tư này.

Trường hợp phế liệu, phế phẩm tạo thành trong quá trình sản xuất sản phẩm xuất khẩu trước được sử dụng để tái chế, sản xuất sản phẩm xuất khẩu thì phải xây dựng định mức để sản xuất ra sản phẩm xuất khẩu đó theo quy định tại Điều này. (Ví dụ: Doanh nghiệp A nhập khẩu lá thuốc lá để sản xuất xuất khẩu sợi thuốc lá loại 1 và sợi thuốc lá loại 2, công đoạn sản xuất là tách lá đế sản xuất sợi thuốc lá loại 1 và cọng, sau đó sấy khô, ép bánh.. .thái sợi để sản xuất sợi thuốc lá loại 2. Vậy doanh nghiệp A phải xây dựng định mức đối với sợi thuốc lá loại 1 và sợi thuốc lá loại 2);

Trong đó, phế liệu là vật liệu loại ra trong quá trình gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu không còn giá trị sử dụng ban đầu được thu hồi để làm nguyên liệu cho quá trình sản xuất khác; phế phẩm là thành phẩm, bán thành phẩm không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật (quy cách, kích thước, phẩm chất,…) bị loại ra trong quá trình gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu và không đạt chất lượng để xuất khẩu.

2. Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm lưu trữ dữ liệu, chứng từ, tài liệu liên quan đến việc xác định định mức thực tế và thông báo định mức thực tế của lượng sản phẩm đã sản xuất theo năm tài chính cho cơ quan hải quan khi báo cáo quyết toán theo quy định tại khoản 2 Điều 60 Thông tư này.

Riêng đối với những sản phẩm sản xuất mà khi kết thúc năm tài chính vẫn chưa có sản phẩm hoàn chỉnh thì tổ chức, cá nhân chưa phải nộp định mức thực tế khi nộp báo cáo quyết toán (Ví dụ: gia công, sản xuất xuất khẩu tàu biển có thời gian dự kiến hoàn thành trong 3 năm thì đến năm tài chính thứ 3 mới phải nộp định mức thực tế).

Vật tư không xây dựng được định mức theo sản phẩm thì tổ chức, cá nhân phải lưu trữ các chứng từ liên quan đến việc sử dụng vật tư và thể hiện trong báo cáo quyết toán về tình hình xuất – nhập – tồn kho của vật tư này.

3. Tổ chức, cá nhân và cơ quan hải quan sử dụng định mức thực tế sản xuất để xác định số thuế khi chuyển đổi mục đích sử dụng, chuyển tiêu thụ nội địa sản phẩm, hoàn thuế, không thu thuế hoặc khi cơ quan hải quan kiểm tra sau thông quan, thanh tra chuyên ngành.

Như vậy theo quy định trên, phế phẩm là vật liệu loại ra trong quá trình sản xuất hàng hóa xuất khẩu không còn giá trị sử dụng ban đầu được thu hồi để làm nguyên liệu cho quá trình sản xuất khác không quy định trong hay ngoài định mức.

Theo đó doanh nghiệp phải thông báo định mức thực tế của lượng sản phẩm đã sản xuất theo năm tài chính cho cơ quan hải quan khi báo cáo quyết toán theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 60 Thông tư 38/2015/TT-BTC (Được sửa đổi bởi khoản 39 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC).

Doanh nghiệp sản xuất hàng hóa xuất khẩu xử lý phế phẩm có phải thông báo cho cơ quan hải quan hay không?

Về thủ tục tiêu hủy được thực hiện theo quy định tại Điều 72 Thông tư 38/2015/TT-BTC như sau:

Thủ tục tiêu hủy nguyên liệu, vật tư, phế liệu, phế phẩm

1. Thủ tục tiêu hủy thực hiện như thủ tục tiêu hủy nguyên liệu, vật tư dư thừa, phế liệu, phế phẩm gia công quy định tại điểm d khoản 3 Điều 64 Thông tư này.

2. Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm tiêu hủy nguyên liệu, vật tư, phế liệu, phế phẩm theo đúng quy định của pháp luật

Theo đó thì điểm d khoản 3 Điều 64 Thông tư 38/2015/TT-BTC (Được sửa đổi bởi khoản 42 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC) quy định về thủ tục hải quan khi xử lý phế phẩm như sau:

Thủ tục hải quan xử lý nguyên liệu, vật tư dư thừa; phế thải, phế liệu, phế phẩm; máy móc, thiết bị thuê, mượn

3. Thủ tục hải quan

d) Tiêu hủy nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị, phế liệu, phế phẩm tại Việt Nam:

d.1) Tổ chức, cá nhân có văn bản gửi Chi cục Hải quan nơi nhập khẩu nguyên liệu, vật tư phương án sơ hủy, tiêu hủy nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị, phế liệu, phế phẩm, trong đó nêu rõ hình thức, địa điểm tiêu hủy. Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm thực hiện việc tiêu hủy theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;

d.2) Cơ quan hải quan giám sát việc tiêu hủy, phế liệu, phế phẩm theo nguyên tắc quản lý rủi ro dựa trên đánh giá quá trình tuân thủ pháp luật của tổ chức, cá nhân;

d.3) Cơ quan hải quan thực hiện giám sát trực tiếp việc tiêu hủy nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị trừ trường hợp nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị tiêu hủy có trị giá dưới 1.000.000 đồng hoặc số tiền thuế dưới 50.000 đồng.

d.4) Trường hợp cơ quan hải quan giám sát trực tiếp việc tiêu hủy, khi kết thúc tiêu hủy, các bên tiến hành lập biên bản xác nhận việc tiêu hủy

Riêng đối với tiêu hủy nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị, phế liệu, phế phẩm của doanh nghiệp ưu tiên, cơ quan hải quan không thực hiện việc giám sát.

Theo đó thì doanh nghiệp sản xuất hàng hóa xuất khẩu phải có văn bản gửi Chi cục Hải quan nơi nhập khẩu nguyên liệu, vật tư phương án sơ hủy, tiêu hủy nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị, phế liệu, phế phẩm, trong đó nêu rõ hình thức, địa điểm tiêu hủy.

Có phải kê khai, nộp thuế đối với phế liệu, phế phẩm thu được trong quá trình sản xuất hàng hóa xuất khẩu không?

Bên cạnh đó, đối với hàng hóa sản xuất xuất khẩu có phế phẩm nếu bán, tiêu thụ nội địa thì cũng phải kê khai, nộp thuế, cụ thể theo quy định tại Điều 71 Thông tư 38/2015/TT-BTC (Được sửa đổi bởi khoản 49 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC) như sau:

Thủ tục xử lý phế liệu, phế phẩm tiêu thụ nội địa, phế thải

Phế liệu, phế phẩm thu được trong quá trình sản xuất hàng xuất khẩu khi bán, tiêu thụ nội địa được miễn thuế nhập khẩu nhưng phải kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có), thuế bảo vệ môi trường (nếu có) và gửi đến cơ quan hải quan thông qua Hệ thống theo chỉ tiêu thông tin quy định tại mẫu số 04 Phụ lục IIa ban hành kèm Thông tư này. Trường hợp thực hiện trên hồ sơ giấy, người khai hải quan khai theo mẫu số 06/BKKTT/TXNK Phụ lục VI ban hành kèm Thông tư này.

Đối với xử lý phế thải, tổ chức, cá nhân thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm ghi chép sổ sách chi tiết, xuất trình cho cơ quan hải quan khi kiểm tra.

Dịch vụ khác

THÀNH LẬP DOANH NGHIỆP FDI NHỮNG GÌ BẠN CẦN BIẾT

THÀNH LẬP DOANH NGHIỆP FDI NHỮNG GÌ BẠN CẦN BIẾT

THÀNH LẬP DOANH NGHIỆP FDI  Việt Nam là một trong những thị trường có sức hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài nhờ vào chính sách đầu tư thuận lợi và ưu đãi hoạt động. Bài viết này sẽ hướng dẫn chi tiết về quy trình thành lập...
Xem chi tiết

ĐIỀU CHỈNH MỤC TIÊU DỰ ÁN ĐẦU TƯ

ĐIỀU CHỈNH MỤC TIÊU DỰ ÁN ĐẦU TƯ

ĐIỀU CHỈNH MỤC TIÊU DỰ ÁN ĐẦU TƯ Mỗi Dự án đầu tư sẽ có những mục tiêu hoạt động riêng biệt, việc điều chỉnh mục tiêu dự án đầu tư sẽ phụ thuộc vào nhu cầu hoạt động kinh doanh, hoạt động sản xuất của Nhà đầu tư hoặc...
Xem chi tiết

Đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực sản xuất phân phối mỹ phẩm

Đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực sản xuất phân phối mỹ phẩm

SẢN XUẤT, PHÂN PHỐI MỸ PHẨM ĐỐI VỚI NHÀ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM Hiện nay, thị tường mỹ phẩm tại Việt Nam đang hoạt động cực kì năng động trong các năm gần đây. Tỷ lệ người dùng mỹ phẩm của Việt Nam đang tăng lên...
Xem chi tiết