Câu hỏi:
Xin chào Luật sư, tôi tên là H và đang là người lao động của một doanh nghiệp tên là A. Tháng trước, tôi đã không đi làm đúng giờ theo quy định của công ty 2 lần và bị tiến hành phê bình, nhắc nhở, vì thế nên chị T phòng hành chính kế toán có nói tháng trước tôi bị trừ 2 ngày lương, tịch thu xung công quỹ. Tôi có hỏi chị T về quy định của công ty có nói đến vấn đề này không thì chị ấy lấp lửng không trả lời và nói là đây là quy định ngầm mà mọi người đều hiểu.
Tháng này, vì mới đến làm việc còn chưa quen nên tôi có làm sai quy trình, không có thiệt hại nào về vật chất. Sau đó Trưởng nhóm tôi có báo cáo với cấp trên thì họ bảo tôi đến phòng hành chính kế toán ký giấy nộp 3 ngày lương vì không làm đúng quy định sản xuất của công ty. Vì vậy, tôi có hỏi về việc liệu tôi làm không đúng quy trình (không có thiệt hại vật chất) thì có phải nộp tiền không? Họ nói là đây là hình phạt để cho tôi nhớ lỗi lầm của mình.
Tôi muốn biết rằng liệu công ty của tôi có được phép phạt vào tiền lương tháng cứng của tôi không? Quy định cụ thể như thế nào? Liệu tôi đòi lại lương từ công ty có được hay không hay Công ty tôi có bị phạt nếu tôi đòi lại lương không?
Mong Luật sư có thể giải đáp giúp tôi.
Trả lời:
Trường hợp này, chúng tôi xin được giải đáp thắc mắc của chị H như sau:
- Về phạm vi quyền hạn xử lý kỷ luật lao động của người sử dụng lao động
Khoản 2 Điều 127 Bộ luật lao động 2019 quy định như sau:
Điều 127. Các hành vi bị nghiêm cấm khi xử lý kỷ luật lao động
1. Xâm phạm sức khỏe, danh dự, tính mạng, uy tín, nhân phẩm của người lao động.
2. Phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động.
3. Xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động có hành vi vi phạm không được quy định trong nội quy lao động hoặc không thỏa thuận trong hợp đồng lao động đã giao kết hoặc pháp luật về lao động không có quy định.
Như vậy, người sử dụng lao động không được phép phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động. Trường hợp này, công ty A cắt lương chị H là vi phạm quy định của pháp luật. Tại Điều 124 Bộ luật lao động 2019 quy định về các hình thức xử lý kỷ luật lao động bao gồm:
Điều 124. Hình thức xử lý kỷ luật lao động
1. Khiển trách.
2. Kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng.
3. Cách chức.
4. Sa thải.
Ngoài các hình thức trên thì người sử dụng lao động không được áp dụng các hình thức kỷ luật khác.
- Về chế tài xử phạt hành vi vi phạm quy định về kỷ luật lao động
Điểm b Khoản 3 và điểm d Khoản 4 Điều 19 quy định về chế tài xử phạt người sử dụng lao động khi vi phạm quy định cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động như sau:
“Điều 19. Vi phạm quy định về kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất
3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi sau đây:
…..
b) Dùng hình thức phạt tiền hoặc cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động;
….
4. Biện pháp khắc phục hậu quả
….
d) Buộc người sử dụng lao động trả lại khoản tiền đã thu hoặc trả đủ tiền lương cho người lao động đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 3 Điều này.
….”
Do đó, chị H có thể kiến nghị bằng văn bản lên thanh tra lao động của Sở LĐ-TB&XH để xử phạt doanh nghiệp về hành vi này và được hoàn trả lại khoản tiền mà chị đã bị thu. Doanh nghiệp vi phạm quy định này sẽ đối mặt với mức phạt vật chất. Hơn nữa, mức phạt trên chỉ áp dụng đối với cá nhân, trường hợp đối tượng vi phạm là tổ chức thì mức phạt cụ thể như sau:
“Điều 6. Mức phạt tiền, thẩm quyền xử phạt và nguyên tắc áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính nhiều lần
….
2. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Chương V Nghị định này là thẩm quyền áp dụng đối với cá nhân; trong trường hợp phạt tiền, thẩm quyền xử phạt tổ chức gấp 02 lần thẩm quyền xử phạt cá nhân.
3. Tổ chức bị xử phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân trong Nghị định này bao gồm:
….
b) Doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam; chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp Việt Nam hoặc doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam;
….
4. Trường hợp cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính nhiều lần thì được coi là tình tiết tăng nặng để làm căn cứ xem xét xử phạt vi phạm hành chính.”
Như vậy, doanh nghiệp có thể bị phạt tới từ 40.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng vi hành vi cắt lương người lao động thay vì xử lý kỷ luật theo đúng quy định. Thêm vào đó, trường hợp nhiều người lao động phản ánh nhiều lần và có bằng chứng chứng minh chính xác hành vi này xuất hiện tại doanh nghiệp thì có thể được coi làm căn cứ xem xét xử phạt vi phạm đối với người sử dụng lao động.
____________________________
Để được hỗ trợ và tư vấn chi tiết, Quý khách hàng vui lòng liên hệ chúng tôi quahotline +84 9888 999 26 hoặc email xuanduong@luatdaiviet.vn
Phòng Pháp luật Doanh nghiệp (VnLaw) – Công ty Luật TNHH Đại Việt
Địa chỉ: Số 09 Vạn Phúc, Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội