Những lưu ý khi soạn thảo hợp đồng hợp tác kinh doanh
Hợp đồng hợp tác kinh doanh BCC là chữ viết tắt cùa Business Cooperation Contract là một hình thức phổ biến nhất trong đời sống kinh tế tại Việt Nam. Luật Đầu tư định nghĩa Hợp đồng hợp tác kinh doanh là hợp đồng được ký giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm mà không thành lập tổ chức kinh tế.
Hình thức hợp tác này được áp dụng từ những thương vụ đơn giản cho đến phức tạp, từ ngắn hạn cho đến dài hạn, diễn ra trong nhiều lĩnh vực khác nhau từ bất động sản, nhà hàng, sản xuất…Tuy nhiên bản chất của hợp đồng này chính là những giao dịch dân sự, kinh tế nên sự tự do thoả thuận không trái với quy định pháp luật được đề cao lên hàng đầu. Chính vì vậy những quy định pháp lý mang tính trực tiếp không được đề cập nhiều tại Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn thi hành, trên thực tế chúng nằm rải rác ở nhiều văn bản luật khác nhau. Cho nên việc tư vấn, soạn thảo loại hợp đồng này cần có sự phối hợp của nhiều ngành luật khác nhau như Luật đầu tư, luật dân sự, luật thương mại, pháp luật về thuế, tài chính ngân hàng…Trên cơ sở những quy định pháp luật và thực tiễn hoạt động nghề nghiệp chúng tôi lưu ý các chủ thể của hợp đồng những vấn đề sau:
Vấn đề thứ nhất là xác định ngành luật chính áp dụng trong hợp đồng hợp tác.
Vì là đối tượng điều chỉnh của nhiều ngành luật khác nhau nên chính vì vậy chúng ta cần xác lại lĩnh vực nội dung hợp tác sẽ là lĩnh vực nào để định hình luật áp dụng chính. Ví dụ các nhà đầu tư cùng hợp tác xây dựng một toà nhà văn phòng để kinh doanh trong vòng 20 năm, vậy ta có thể xác định đây là lĩnh vực kinh doanh bất động sản có gắn với đầu tư xây dựng tạo cơ sơ vật chất, vì vậy ngành luật xây dựng và kinh doanh bất động sản được xác định sẽ được áp dụng chủ yếu trong hợp đồng này bên cạnh những chế định pháp lý khác.
Vấn đề thứ hai là áp dụng khung cơ bản của pháp luật dân sự.
Pháp luật dân sự là đạo luật gốc, điều chỉnh tất cả những mối quan hệ pháp luật có tính chất bình đẳng, ngang hàng, tự do thỏa thuận, trong đó có hợp đồng BCC.
Vấn đề thứ ba là kết cấu hợp đồng và kỹ thuật soạn thảo hợp đồng hợp tác.
Theo quy định tại điều 29 của luật đầu tư 2014 thì nội dung chủ yếu của hợp đồng hợp tác là chủ thể hợp đồng, mục tiêu và phạm vi hợp tác, đóng góp của các bên, tiến độ thực hiện, quyền nghĩa vụ các bên, sửa đổi, chuyển nhượng chấm dứt hợp đồng và trách nhiệm khi vi phạm và phương thức giải quyết tranh chấp và các thoả thuận khác của các bên không trái pháp luật. Như vậy mặc dù được nêu những nội dung cơ bản nhưng thực tế đã chứng minh việc áp dụng soạn thảo hợp đồng theo hình thức truyền thống tại Việt Nam thường xuyên gặp những khó khăn trong áp dụng do không có những chỉ dẫn cụ thể và khó quy trách nhiệm và chế tài cho từng đối tác trong hợp đồng. Kinh nghiệm hành nghề của chúng tôi trong thời gian dài hành nghề cho thấy phương thức quy định chi tiết quyền và nghĩa vụ theo theo thời gian kết hợp với phương diện tổ chức kết cấu bộ phận quyền lực đại diện cho các bên là một trong những giải pháp tốt nhất cho loại hợp đồng hợp tác này.
Vấn đề thứ tư là cần tiên lượng một cách tối đa các tình huống xấu, các rủi ro có thể xảy ra trong tương lai khi thực hiện hợp tác và biện pháp giải quyết để tránh xung đột và đảm bảo sự hoạt động bình thường của quá trình kinh doanh.
Trong thực tế, do việc không có pháp nhân làm mối quan hệ giữa các đối tác ít bền vững, lỏng lẻo hơn nền cần phải thỏa thuận chi tiết về cơ chế phối hợp giữa các bên. Việc không thành lập pháp nhân hay không thành lập tổ chức kinh tế chung đồng nghĩa với việc các bên không có một con dấu chung, mà con dấu trong thực tế ở Việt nam thì việc sử dụng trong nhiều trường hợp là bắt buộc. Từ đó, việc thực hiện những hợp đồng, giao dịch bên lề nhằm phục vụ cho Hợp đồng BCC cũng sẽ gây phân vân cho bên thứ ba khi không tồn tại một đại diện – một công ty liên doanh giữa các nhà đầu tư. Trong khi pháp luật Việt Nam vẫn chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm giữa các bên đối tác khi giao kết hợp đồng với bên thứ ba. Ngoài ra, các nhà đầu tư sẽ phải thỏa thuận việc lựa chọn con dấu của một trong hai bên để phục vụ cho việc kí kết các hợp đồng với bên thứ ba, qua đó làm tăng trách nhiệm của một bên so với bên còn lại. Nếu rủi ro xảy ra, cụ thể khi các bên bất đồng quan điểm trong việc sử dụng con dấu để ký kết hợp đồng, thì dự án đầu tư đó sẽ phải dừng lại và chờ đợi giải quyết.
Vấn đề thứ năm cần quan tâm đó là các biện pháp bảo đảm và chế tài khi vi phạm.
Hầu hết các hợp đồng chúng tôi tiếp xúc trong nhiều năm vừa qua đều có phần chế tài vi phạm, tuy nhiên những chế tài này ít khi được áp dụng hiệu quả vì không có tính thực thi cao. Vậy làm cách nào để các chủ thể trong hợp đồng phải tôn trọng các thoả thuận trong hợp đồng và nếu vi phạm thì họ sẽ phải chịu chế tài và thực thi được những chế tài này tránh hiện tượng chây ỳ và vô hiệu hoá. Giải pháp đơn giản nhất để phòng ngừa cho những vi phạm và đảm bảo thực thi các chế tài đó là các biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng ( các biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng được quy định chi tiết trong bộ luật dân sự và được lựa chọn biện pháp phù hợp để áp dụng cho các bên theo thoả thuận).
Trên đây là những lưu ý của chúng tôi đối với các chủ thể kinh doanh nhằm đóng góp cho môi trường kinh tế được ổn định hơn, rất mong được sự phản hồi góp ý của các vị cùng các luật sư đồng nghiệp.
Luật sư Phạm Xuân Dương
____________________________
Tham khảo:
Để được hỗ trợ và tư vấn chi tiết, Quý khách hàng vui lòng liên hệ chúng tôi quahotline +84 9888 999 26 hoặc email xuanduong@luatdaiviet.vn
Phòng Pháp luật Doanh nghiệp (VnLaw) – Công ty Luật TNHH Đại Việt
Địa chỉ: Số 09 Vạn Phúc, Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội