Phân biệt Hợp đồng chuyển quyền sử dụng và Hợp đồng chuyển giao đối tượng sở hữu công nghiệp
Câu hỏi:
Một độc giả tên T đã thực hiện đăng ký bảo hộ các đối tượng sở hữu công nghiệp như: kiểu dáng công nghiệp, sáng chế và nhãn hiệu cho một số sản phẩm của mình. Hiện tại, anh T có nhu cầu chuyển nhượng một số sản phẩm của mình cho một số đơn vị khác, chính vì thế anh muốn biết sự khác biệt giữa Hợp đồng chuyển quyền sử dụng và Hợp đồng chuyển giao đối tượng sở hữu công nghiệp.
Mong Luật sư giải đáp thắc mắc cho anh T.
Trả lời:
Chúng tôi xin được trả lời câu hỏi của anh T như sau:
Trước tiên, Vnlaw sẽ chia thành 05 tiêu chí so sánh để anh T có cái nhìn rõ hơn về sự khác biệt giữa Hợp đồng chuyển quyền sử dụng và Hợp đồng chuyển giao đối tượng sở hữu công nghiệp.
1. Phạm vi quyền trong hai loại Hợp đồng
- Chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp là việc chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp thuộc phạm vi quyền sử dụng của mình.
- Chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp là việc chủ sở hữu quyền sở hữu công nghiệp chuyển giao quyền sở hữu của mình cho tổ chức, cá nhân khác.
2. Bản chất
- Chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp là việc chỉ chuyển giao quyền sử dụng. Chủ sở hữu quyền sở hữu công nghiệp vẫn là bên chuyển giao. Bên nhận chuyển giao chỉ có quyền sử dụng đối với đối tượng sở hữu công nghiệp.
- Chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệplà việc chủ sở hữu chuyển giao tất cả các quyền của mình sang cho bên nhận chuyển giao. Bên nhận chuyển giao sẽ là chủ sở hữu mới đối với đối tượng sở hữu công nghiệp. Bên chuyển giao sẽ chấm dứt quyền sở hữu đối với đối tượng.
3. Các dạng của hợp đồng quyền sử dụng và hợp đồng chuyển giao đối tượng sở hữu công nghiệp
- Chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp có các loại hợp đồng sau đây:
+ Hợp đồng độc quyền
+ Hợp đồng không độc quyền
+ Hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp thứ cấp
- Chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp chỉ có một dạng hợp đồng duy nhất. Theo đó, bên chuyển nhượng sẽ chấm dứt quyền sở hữu. Bên nhận chuyển nhượng sẽ là chủ sở hữu mới.
4. Hiệu lực của hợp đồng
- Chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp
Hợp đồng có hiệu lực theo thỏa thuận giữa các bên. Nhưng chỉ có giá trị pháp lý đối với bên thứ ba khi đã được đăng ký tại cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp. Hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp mặc nhiên bị chấm dứt hiệu lực nếu quyền sở hữu công nghiệp của bên giao bị chấm dứt.
- Chuyển nhượng quyển sở hữu công nghiệp
Hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp chỉ có hiệu lực khi đã được đăng ký tại cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp.
5. Hạn chế việc chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp
Căn cứ Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009
- Chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp
Quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý, tên thương mại không được chuyển giao.
Quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể không được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể đó.
Bên được chuyển quyền không được ký kết hợp đồng thứ cấp với bên thứ ba. Trừ trường hợp được bên chuyển quyền cho phép.
Bên được chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu có nghĩa vụ ghi chỉ dẫn trên hàng hoá, bao bì hàng hoá về việc hàng hoá đó được sản xuất theo hợp đồng sử dụng nhãn hiệu.
Bên được chuyển quyền sử dụng sáng chế theo hợp đồng độc quyền có nghĩa vụ sử dụng sáng chế như chủ sở hữu sáng chế.
- Chuyển nhượng quyền sử hữu đối tượng sở hữu công nghiệp
Chủ sở hữu quyền sở hữu công nghiệp chỉ được chuyển nhượng quyền của mình trong phạm vi được bảo hộ.
Quyền đối với chỉ dẫn địa lý không được chuyển nhượng.
Quyền đối với tên thương mại chỉ được chuyển nhượng cùng với việc chuyển nhượng toàn bộ cơ sở kinh doanh và hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại đó.
Việc chuyển nhượng quyền đối với nhãn hiệu không được gây ra sự nhầm lẫn về đặc tính, nguồn gốc của hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu.
Quyền đối với nhãn hiệu chỉ được chuyển nhượng cho tổ chức, cá nhân đáp ứng các điều kiện đối với người có quyền đăng ký nhãn hiệu đó.
____________________________
Để được hỗ trợ và tư vấn chi tiết, Quý khách hàng vui lòng liên hệ chúng tôi quahotline +84 9888 999 26 hoặc email xuanduong@luatdaiviet.vn
Phòng Pháp luật Doanh nghiệp (VnLaw) – Công ty Luật TNHH Đại Việt
Địa chỉ: Số 09 Vạn Phúc, Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội