Câu hỏi:
Công ty mẹ bên mình ở Mỹ, đang có nhu cầu kinh doanh mỹ phẩm tại Việt Nam nên đang có ý định mở một chi nhánh. Cho mình hỏi về thủ tục thành lập chi nhánh thương nhân nước ngoài tại Việt Nam và những lưu ý khi thành lập.
Mình cảm ơn
Trả lời:
Chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam là đơn vị phụ thuộc của thương nhân nước ngoài, được thành lập và hoạt động thương mại tại Việt theo đúng quy định của pháp luật.
Theo đó, thương nhân nước ngoài chỉ được cấp Giấy phép thành lập Chi nhánh khi đáp ứng các điều kiện sau:
1. Thương nhân nước ngoài được thành lập, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc được pháp luật các quốc gia, vùng lãnh thổ này công nhận;
2. Thương nhân nước ngoài đã hoạt động ít nhất 05 năm, kể từ ngày được thành lập hoặc đăng ký;
3. Trong trường hợp Giấy đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương của thương nhân nước ngoài có quy định thời hạn hoạt động thì thời hạn đó phải còn ít nhất là 01 năm tính từ ngày nộp hồ sơ;
4. Nội dung hoạt động của Chi nhánh phải phù hợp với cam kết mở cửa thị trường của Việt Nam trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và phù hợp với ngành nghề kinh doanh của thương nhân nước ngoài;
5. Trường hợp nội dung hoạt động của Chi nhánh không phù hợp với cam kết của Việt Nam hoặc thương nhân nước ngoài không thuộc quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, việc thành lập Chi nhánh phải được sự chấp thuận của Bộ trưởng Bộ quản lý chuyên ngành.
Các điều kiện tại điểm 4 và 5 nêu trên là các điều kiện mới phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên ký sau ngày Luật Thương mại 2005 được ban hành, các điều kiện này nhằm đảm bảo việc thành lập chi nhánh của thương nhân nước ngoài phải đảm bảo các điều kiện chung theo cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Hồ sơ thành lập chi nhánh của thương nhân nước ngoài bao gồm:
- Đơn đề nghị cấp Giấy phép thành lập Chi nhánh theo mẫu của Bộ Công Thương do đại diện có thẩm quyền của thương nhân nước ngoài ký;
- Bản sao Giấy đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương của thương nhân nước ngoài;
- Văn bản của thương nhân nước ngoài cử/bổ nhiệm người đứng đầu Chi nhánh;
- Bản sao báo cáo tài chính có kiểm toán hoặc văn bản xác nhận tình hình thực hiện nghĩa vụ thuế hoặc tài chính trong năm tài chính gần nhất hoặc giấy tờ có giá trị tương đương do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nơi thương nhân nước ngoài thành lập cấp hoặc xác nhận, chứng minh sự tồn tại và hoạt động của thương nhân nước ngoài trong năm tài chính gần nhất;
- Bản sao Điều lệ hoạt động của Chi nhánh;
- Bản sao công chứng hộ chiếu hoặc giấy Chứng minh thư nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân của người đứng đầu Chi nhánh;
- Tài liệu về địa điểm dự kiến đặt trụ sở Chi nhánh bao gồm: Bản sao biên bản ghi nhớ hoặc thỏa thuận thuê địa điểm hoặc bản sao tài liệu chứng minh thương nhân có quyền khai thác, sử dụng địa điểm để đặt trụ sở Chi nhánh; Bản sao tài liệu về địa điểm dự kiến đặt trụ sở Chi nhánh cụ thể: Chi nhánh của thương nhân nước ngoài phải phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam về điều kiện an ninh, trật tự, an toàn vệ sinh lao động và các điều kiện khác theo quy định của pháp luật. Chi nhánh không được cho mượn, cho thuê lại trụ sở.
Thương nhân nước ngoài nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện hoặc trực tuyến (nếu đủ điều kiện áp dụng) đến Cơ quan cấp Giấy phép (Bộ Công thương). Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cơ quan cấp Giấy phép kiểm tra và yêu cầu bổ sung nếu hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ. Việc yêu cầu bổ sung hồ sơ được thực hiện tối đa một lần trong suốt quá trình giải quyết hồ sơ.
Thời hạn Giấy phép thành lập Chi nhánh
Giấy phép thành lập Chi nhánh của thương nhân nước ngoài có thời hạn 05 năm nhưng không vượt quá thời hạn còn lại của Giấy đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương của thương nhân nước ngoài trong trường hợp giấy tờ đó có quy định về thời hạn.
Điều kiện người đứng đầu Chi nhánh
1. Người đứng đầu Chi nhánh phải chịu trách nhiệm trước thương nhân nước ngoài về hoạt động của mình và của Chi nhánh trong phạm vi được thương nhân nước ngoài ủy quyền.
2. Người đứng đầu Chi nhánh phải chịu trách nhiệm về các hoạt động của mình trong trường hợp thực hiện các hoạt động ngoài phạm vi được thương nhân nước ngoài ủy quyền.
3. Người đứng đầu Chi nhánh phải ủy quyền bằng văn bản cho người khác thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đứng đầu Chi nhánh theo pháp luật khi xuất cảnh khỏi Việt Nam. Việc ủy quyền này phải được sự đồng ý của thương nhân nước ngoài. Người đứng đầu Chi nhánh vẫn phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ đã ủy quyền.
4. Trường hợp hết thời hạn ủy quyền theo quy định tại điểm 3 nêu trên người đứng đầu Chi nhánh chưa trở lại Việt Nam và không có ủy quyền khác thì người được ủy quyền có quyền tiếp tục thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người đứng đầu Chi nhánh trong phạm vi đã được ủy quyền cho đến khi người đứng đầu Chi nhánh trở lại làm việc tại Chi nhánh hoặc cho đến khi thương nhân nước ngoài bổ nhiệm người khác làm người đứng đầu Chi nhánh.
5. Trường hợp người đứng đầu Chi nhánh không hiện diện tại Việt Nam quá 30 ngày mà không ủy quyền cho người khác thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người đứng đầu Chi nhánh hoặc bị chết, mất tích, tạm giam, kết án tù, bị hạn chế mất năng lực hành vi dân sự thì thương nhân nước ngoài phải bổ nhiệm người khác làm người đứng đầu Chi nhánh.
6. Người đứng đầu Chi nhánh của thương nhân nước ngoài không được kiêm nhiệm các chức vụ sau:
-
- Người đứng đầu Văn phòng đại diện của một thương nhân nước ngoài khác;
- Người đứng đầu Văn phòng đại diện của cùng một thương nhân nước ngoài;
- Người đại diện theo pháp luật của tổ chức kinh tế được thành lập theo quy định pháp luật Việt Nam.
Thẩm quyền cấp Giấy phép thành lập Chi nhánh
Thương nhân nộp hồ sơ thành lập chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam tại Bộ Công Thương.
Công bố thông tin về Chi nhánh
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày cấp, cấp lại, điều chỉnh, gia hạn và thu hồi Giấy phép thành lập Chi nhánh, Cơ quan cấp Giấy phép có trách nhiệm công bố trên trang thông tin điện tử của mình các nội dung sau:
1. Tên, địa chỉ trụ sở của Chi nhánh;
2. Tên, địa chỉ trụ sở của thương nhân nước ngoài;
3. Người đứng đầu Chi nhánh;
4. Số, ngày cấp, thời hạn của Giấy phép thành lập Chi nhánh, Cơ quan cấp Giấy phép;
5. Nội dung hoạt động của Chi nhánh;
6. Ngày cấp lại, điều chỉnh, gia hạn và thu hồi Giấy phép thành lập Chi nhánh.
____________________________
Để được hỗ trợ và tư vấn chi tiết, Quý khách hàng vui lòng liên hệ chúng tôi quahotline +84 9888 999 26 hoặc email xuanduong@luatdaiviet.vn
Phòng Pháp luật Doanh nghiệp (VnLaw) – Công ty Luật TNHH Đại Việt
Địa chỉ: Số 09 Vạn Phúc, Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội