Để một doanh nghiệp có thể đi vào hoạt động, có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là chưa đủ. Sau khi thành lập công ty, bạn cần thực hiện một số công việc quan trọng để tránh mắc phải những vấn đề pháp lý không đáng có. Vậy những công việc đó là gì? Xem ngay các việc cần làm sau khi thành lập công ty dưới đây của VnLaw để được giải đáp!
Các việc cần làm sau khi thành lập công ty
Nộp hồ sơ kê khai thuế môn bài
Đây là bước rất quan trọng đối với doanh nghiệp vừa mời thành lập.
Theo quy định của Pháp luật, doanh nghiệp cần phải kê khai và nộp thuế môn bài chậm nhất vào ngày cuối cùng của tháng bắt đầu hoạt động kinh doanh. Nếu doanh nghiệp chưa có hoạt động kinh doanh; thời hạn chậm nhất nộp tờ khai thuế môn bài là 30 ngày kể từ ngày được nhận giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Treo bảng hiệu công ty
Việc cần làm tiếp theo sau khi thành lập công ty là treo bảng hiệu công ty. Bảng hiệu phải thể hiện đầy đủ các thông tin về tên, địa chỉ, số điện thoại của công ty.
Doanh nghiệp không treo bảng hiệu công ty có thể sẽ bị phạt từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.
Mở tài khoản và thông báo số tài khoản ngân hàng
Khi doanh nghiệp đi vào hoạt động, cần có tài khoản ngân hàng để thực hiện các giao dịch liên quan tới thành toán và nộp thuế.
Để mở tài khoản ngân hàng, doanh nghiệp cần chuẩn bị những hồ sơ sau:
- Đơn đề nghị mở tài khoản theo mẫu có chữ ký của người đại diện công ty và dấu của công ty;
- Bản sao công chứng căn cước công dân của người đại diện công ty;
- Bản sao công chứng của giấy phép đăng ký kinh doanh;
- Thông báo đã đăng tải mẫu dấu lên cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp.
- Sau khi mở tài khoản, doanh nghiệp cần phải thông báo lên Sở Kế hoạch và Đầu tư để quản lý và kiểm soát giao dịch.
Tùy vào nhu cầu mà một doanh nghiệp có thể có nhiều tài khoản ngân hàng. Tuy nhiên một tài khoản ngân hàng chỉ được dùng cho một doanh nghiệp duy nhất.
Làm thủ tục phát hành hóa đơn
Dù doanh nghiệp sử dụng loại hóa đơn nào, việc cần làm sau khi thành lập công ty là làm thủ tục phát hành hóa đơn.
Đối với hóa đơn giấy: Sau khi làm thủ tục và được sự đồng ý của cơ quan thuế trực tiếp quản lý; doanh nghiệp sẽ tiến hành liên hệ đơn vị in hóa đơn và phát hành hóa đơn.
Đối với hóa đơn điện tử: Hồ sơ đăng ký hóa đơn điện tử bao gồm:
- Quyết định áp dụng hóa đơn điện tử;
- Thông báo phát hành hóa đơn;
- Hóa đơn mẫu, hóa đơn chuyển đổi
Đăng ký chữ ký số điện tử.
Chữ ký số được xem là một công cụ điện tử quan trọng của doanh nghiệp phục vụ các thủ tục, hồ sơ qua mạng: ký hợp đồng online, giao dịch qua ngân hàng,… mà không mất thời gian đi lại, in ấn,…
Giống như tài khoản ngân hàng, một doanh nghiệp có thể có nhiều chữ ký số; và một chữ ký số chỉ được dùng cho một doanh nghiệp duy nhất.
Hoàn thiện các điều kiện về giấy phép, chứng chỉ, vốn
Các thông tin còn thiếu trong quá trình đăng ký thành lập doanh nghiệp cần nhanh chóng hoàn thiện để tránh bị xử phạt nếu bị kiểm tra. Đây cũng là điều cần thực hiện ngay trong những việc cần làm sau khi thành lập công ty.
Các công ty thuộc loại hình công ty TNHH, công ty cổ phần hay công ty hợp danh cần phải góp đủ số vốn đã cam kết trong vòng 90 ngày từ khi nhận giấy phép đăng ký kinh doanh. Trường hợp không thể góp đủ số vốn đã cam kết, doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục điều chỉnh vốn điều lệ.
Xem thêm:
- Những vấn đề pháp lý cần biết khi thành lập doanh nghiệp
- Các bước thành lập công ty chuẩn bạn nên biết khi mở công ty riêng
Trên đây là một số việc cần làm sau khi thành lập công ty. Các chủ doanh nghiệp nên lưu ý những công việc này để doanh nghiệp có thể hoạt động hiệu quả sau khi thành lập!