Hỏi:
(Dịch) Tôi là người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam từ tháng 10/2021. Tôi nghe nói Việt Nam có một loại bảo hiểm là bảo hiểm thất nghiệp. Xin hỏi tôi có thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm đó không. Nếu không thì tôi có thể tham gia loại bảo hiểm nào?
Trả lời:
1. Đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp
Căn cứ Khoản 1 Điều 43 Luật Việc làm 2013 quy định về Đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp thì:
“1. Người lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp khi làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc như sau:
a) Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn;
b) Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc xác định thời hạn;
c) Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng.
Trong trường hợp người lao động giao kết và đang thực hiện nhiều hợp đồng lao động quy định tại khoản này thì người lao động và người sử dụng lao động của hợp đồng lao động giao kết đầu tiên có trách nhiệm tham gia bảo hiểm thất nghiệp.”
Hơn nữa, theo quy định Điều 2 Luật Việc làm 2013 quy định về Đối tượng áp dụng của Luật Việc làm 2013 thì:
“Điều 2. Đối tượng áp dụng
Luật này áp dụng đối với người lao động, người sử dụng lao động và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc làm.”
Cũng tại Khoản 1 Điều 3 Luật Việc làm 2013, Người lao động được định nghĩa như sau:
“Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Người lao động là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động và có nhu cầu làm việc.”
Do đó, theo Luật Việc làm 2013 người lao động nước ngoài không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
2. Người lao động nước ngoài có thể tham gia 02 loại bảo hiểm sau: Bảo hiểm xã hội bắt buộc và Bảo hiểm y tế.
- Bảo hiểm xã hội bắt buộc
Khoản 1 Điều 2 Nghị định 143/2018/NĐ-CP quy định về đối tượng áp dụng như sau:
“Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc khi có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp và có hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 01 năm trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam.
2. Người lao động quy định tại khoản 1 Điều này không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại Nghị định này khi thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 3 của Nghị định số 11/2016/NĐ-CP ngày 03 tháng 02 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam;
b) Người lao động đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 1 Điều 187 của Bộ luật Lao động.”
Như vậy, người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc khi có điều kiện sau:
– Giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp.
– Có hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 01 năm trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam.
Tuy nhiên, căn cứ khoản 2 Điều 2 Nghị định 143/2018/NĐ-CP, vẫn còn có trường hợp người lao động nước ngoài không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, đó là:
– Di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 3 của Nghị định số 11/2016/NĐ-CP ;
– Người lao động đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 1 Điều 187 của Bộ luật Lao động.
Ngoài ra, Khoản 1 Điều 5 Nghị định 143/2018/NĐ-CP quy định về Các chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc như sau:
Điều 5. Các chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc
1. Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 2 của Nghị định này thực hiện các chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc sau đây: ốm đau; thai sản; bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hưu trí và tử tuất.
- Bảo hiểm y tế
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế 2008 Luật sửa đổi, bổ sung năm 2014 thì Luật này áp dụng đối với đối tượng sau:
Điều 1.
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế:
1. Sửa đổi, bổ sung khoản 1; bổ sung khoản 7 và khoản 8 Điều 2 như sau:
“1. Bảo hiểm y tế là hình thức bảo hiểm bắt buộc được áp dụng đối với các đối tượng theo quy định của Luật này để chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận do Nhà nước tổ chức thực hiện.”
Căn cứ theo Điều 12 Bảo hiểm y tế 2008 Luật sửa đổi, bổ sung năm 2014 quy định về Đối tượng tham gia bảo hiểm y tế như sau:
6. Sửa đổi, bổ sung Điều 12 như sau:
“Điều 12. Đối tượng tham gia bảo hiểm y tế
1. Nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng, bao gồm:
a) Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên; người lao động là người quản lý doanh nghiệp hưởng tiền lương; cán bộ, công chức, viên chức (sau đây gọi chung là người lao động);
b) Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn theo quy định của pháp luật.
2. Nhóm do tổ chức bảo hiểm xã hội đóng, bao gồm:
a) Người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;
b) Người đang hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày; người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng;
c) Cán bộ xã, phường, thị trấn đã nghỉ việc đang hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng;
d) Người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Do đó, người lao động nước ngoài thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm y tế và phải thỏa mãn được điều kiện hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên.
____________________________
Tham khảo:
Để được hỗ trợ và tư vấn chi tiết, Quý khách hàng vui lòng liên hệ chúng tôi quahotline +84 9888 999 26 hoặc email xuanduong@luatdaiviet.vn
Phòng Pháp luật Doanh nghiệp (VnLaw) – Công ty Luật TNHH Đại Việt
Địa chỉ: Số 09 Vạn Phúc, Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội