Huy động vốn đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại
Dự án nhà ở thương mại là nhà ở được đầu tư xây dựng để bán, cho thuê, cho thuê mua theo cơ chế thị trường. Vậy việc huy động vốn đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại được quy định như thế nào? Hãy cùng Vnlaw tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.
-
Quy định chung về dự án nhà ở thương mại
Nhà ở thương mại là nhà ở được đầu tư xây dựng để bán, cho thuê, cho thuê mua theo cơ chế thị trường.
Khi thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, trước hết các cá nhân, tổ chức, hay gọi tắt là chủ đầu tư cần phải có quyền sử dụng đất hợp pháp đối thông qua các hình thức như: có quyền sử dụng đất ở hợp pháp và các loại đất khác được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang làm đất ở; được Nhà nước giao đất để xây dựng nhà ở cho thuê, cho thuê mua, để bán; được Nhà nước cho thuê đất để xây dựng nhà ở cho thuê; nhận chuyển quyền sử dụng đất ở theo quy định của pháp luật về đất đai để xây dựng nhà ở thương mại.
-
Quy định huy động vốn đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại
-
a) Vốn phục vụ cho phát triển nhà ở thương mại được huy động từ các nguồn
– Vốn thuộc sở hữu của chủ đầu tư.
– Vốn huy động thông qua hình thức góp vốn, hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh, liên doanh, liên kết của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân.
– Tiền mua, tiền thuê mua, tiền thuê, nhà ở trả trước theo hợp đồng mua bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai.
– Vốn vay từ tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính đang hoạt động tại Việt Nam.
(Điều 69 Luật Nhà ở 2014)
-
b) Quy định về ký hợp đồng góp vốn, hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh, liên doanh, liên kết
Bên tham gia góp vốn, hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh, liên doanh, liên kết quy định tại điểm này chỉ được phân chia lợi nhuận (bằng tiền hoặc cổ phiếu) trên cơ sở tỷ lệ vốn góp theo thỏa thuận trong hợp đồng; chủ đầu tư không được áp dụng hình thức huy động vốn quy định tại điểm này hoặc các hình thức huy động vốn khác để phân chia sản phẩm nhà ở hoặc để ưu tiên đăng ký, đặt cọc, hưởng quyền mua nhà ở hoặc để phân chia quyền sử dụng đất trong dự án cho bên được huy động vốn, trừ trường hợp góp vốn thành lập pháp nhân mới để được Nhà nước giao làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở.
Việc ký hợp đồng góp vốn, hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh, liên doanh, liên kết phải đáp ứng các hình thức, điều kiện theo quy định của Luật Nhà ở và các điều kiện ở mục c dưới đây.
c) Điều kiện huy động vốn phát triển nhà ở thương mại
Khoản 3 Điều 19 Nghị định số 99/2015/NĐ-CP quy định như sau:
Việc huy động vốn để đầu tư xây dựng nhà ở thương mại thông qua hợp đồng góp vốn thì chủ đầu tư chỉ được ký kết các hợp đồng này sau khi có đủ điều kiện sau đây:
– Đã có hồ sơ dự án đầu tư xây dựng nhà ở được phê duyệt theo quy định của pháp luật;
– Dự án đầu tư xây dựng nhà ở đã thực hiện xong giải phóng mặt bằng theo tiến độ thực hiện dự án được phê duyệt;
– Đã có biên bản bàn giao mốc giới của dự án;
– Đã có thông báo đủ điều kiện được huy động vốn của Sở Xây dựng nơi có dự án. Chủ đầu tư phải có văn bản kèm theo giấy tờ chứng minh đủ điều kiện huy động vốn quy định tại các điểm a, b và c khoản 3 Điều 19 Nghị định 99/2015/NĐ-CP gửi Sở Xây dựng đề nghị có văn bản thông báo đủ điều kiện được huy động vốn để đầu tư xây dựng nhà ở.
-
d) Quy định về sử dụng nguồn vốn huy động
Chủ đầu tư phải sử dụng nguồn vốn đã huy động vào đúng mục đích xây dựng nhà ở tại dự án đó; nghiêm cấm chủ đầu tư huy động vượt quá số tiền mua, thuê mua nhà ở được ứng trước của khách hàng theo quy định của pháp luật; trường hợp sử dụng sai mục đích nguồn vốn huy động hoặc chiếm dụng vốn đã huy động hoặc huy động vượt quá số tiền mua, thuê mua nhà ở ứng trước của khách hàng thì phải hoàn lại số tiền đã huy động sai quy định, phải bồi thường (nếu gây thiệt hại) và bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
-
Căn cứ pháp lý
– Luật Nhà ở 2014;
– Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở.
-
Các từ khóa liên quan
Huy động vốn; xây dựng nhà ở thương mại; dự án nhà ở thương mại; huy động vốn đầu tư
Trên đây là quy định về huy động vốn đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại. Vnlawdaiviet hy vọng sẽ giúp ích cho quý công ty trong thực tế áp dụng pháp luật. Nếu quý vị còn thắc mắc có thể liên hệ với chúng tôi theo thông tin sau.
Công ty Luật TNHH Đại Việt
Phòng Pháp luật Doanh nghiệp (vnlaw) tầng 5 tòa nhà số 9 Vạn Phúc, Ba Đình, Hà Nội
Luật sư Phạm Xuân Dương – Phó giám đốc
Mobile: 0933668166; zalo: 0933668166
Email: xuanduong@luatdaiviet.vn
Tham khảo: