Câu hỏi: Những đối tượng nào được bảo hộ dưới dạng sáng chế
Ông A và một số người bạn có sáng tạo ra một chiếc máy để đo lượng thuốc sâu trong rau, kiểm tra mức độ đạt chuẩn để có thể được tiêu thụ trên thị trường. Tuy nhiên, ông băn khoăn không biết đối tượng nào được bảo hộ dưới dạng sáng chế và máy của ông có được bảo hộ không? Nếu có thì thủ tục đăng ký như thế nào?
Trả lời:
Căn cứ pháp lý:
- Luật Sở hữu trí tuệ 2019;
- Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN hướng dẫn thi hành Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22/09/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp;
- Các văn bản pháp luật khác có liên quan.
Đối tượng được bảo hộ dưới dạng sáng chế được quy định như sau:
1. Những đối tượng nào được bảo hộ dưới dạng sáng chế
Theo quy định tại Điều 58 Luật SHTT quy định về điều kiện chung đối với sáng chế được bảo hộ như sau:
– Có tính mới;
– Có trình độ sáng tạo;
– Có khả năng áp dụng công nghiệp.
Theo Điểm b Điều 25.3 Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN, đối tượng nêu trong đơn đăng ký sáng chế bị coi là không phù hợp với loại văn bằng bảo hộ sáng chế mà người nộp đơn yêu cầu được cấp nếu đối tượng đó không phải là giải pháp kỹ thuật, cụ thể không phải là sản phẩm hoặc quy trình.
1.1. Cách nhận dạng giải pháp kỹ thuật được quy định như sau và có thể thuộc một trong các dạng sau đây:
a. Sản phẩm
Sản phẩm dưới dạng vật thể (dụng cụ, máy móc, thiết bị, linh kiện, mạch điện…) được thể hiện bằng một tập hợp các thông tin xác định một sản phẩm nhân tạo được đặc trưng bởi các dấu hiệu (đặc điểm) về kết cấu, sản phẩm đó có chức năng (công dụng) như một phương tiện nhằm đáp ứng một nhu cầu nhất định của con người;
hoặc sản phẩm dưới dạng chất thể (vật liệu, chất liệu, thực phẩm, dược phẩm…) được thể hiện bằng một tập hợp các thông tin xác định một sản phẩm nhân tạo được đặc trưng bởi các dấu hiệu (đặc điểm) về sự hiện diện, tỉ lệ và trạng thái của các phần tử, có chức năng (công dụng) như một phương tiện nhằm đáp ứng một nhu cầu nhất định của con người;
hoặc sản phẩm dưới dạng vật liệu sinh học (gen, thực vật/động vật biến đổi gen…) được thể hiện bằng một tập hợp các thông tin về một sản phẩm chứa thông tin di truyền bị biến đổi dưới tác động của con người, có khả năng tự tái tạo;
b. Quy trình:
Quy trình (quy trình công nghệ; phương pháp chẩn đoán, dự báo, kiểm tra, xử lý…) được thể hiện bằng một tập hợp các thông tin xác định cách thức tiến hành một quá trình, một công việc cụ thể được đặc trưng bởi các dấu hiệu (đặc điểm) về trình tự, điều kiện, thành phần tham gia, biện pháp, phương tiện thực hiện các thao tác nhằm đạt được một mục đích nhất định.
1.2. Đối tượng không được coi là giải pháp kỹ thuật trong các trường hợp sau đây:
- (i) Đối tượng nêu trong đơn chỉ là ý tưởng hoặc ý đồ, chỉ nêu (đặt) vấn đề mà không phải là cách giải quyết vấn đề, không trả lời được câu hỏi “bằng cách nào” hoặc/và “bằng phương tiện gì”;
- (ii) Vấn đề (nhiệm vụ) được đặt ra để giải quyết không phải là vấn đề kỹ thuật và không thể giải quyết được bằng cách thức kỹ thuật;
- (iii) Các sản phẩm tự nhiên, không phải là sản phẩm sáng tạo của con người.
2. Thủ tục đăng ký sáng chế tại Việt Nam
Bước 1: Kiểm tra hình thức đơn đăng ký sáng chế
Cục sở hữu trí tuệ (NOIP) sẽ kiểm tra hình thức của đơn xin cấp bằng sáng chế trong vòng 1-2 tháng kể từ ngày nộp đơn. Tuy nhiên, thời gian thực tế có thể lâu hơn.
Bước 2:Công báo đơn sáng chế trên Công báo của Cục sở hữu trí tuệ
Cục sở hữu trí tuệ (NOIP) sẽ công bố đơn đăng ký bằng sáng chế trên Công báo của Cục sở hữu trí tuệ trong vòng 19 tháng kể từ ngày nộp đơn đầu tiên hoặc ngày chấp nhận hợp lệ.
Người nộp đơn có thể yêu cầu công bố sớm đơn đăng ký sáng chế.
Bước 3: Xét nghiệm nội dung sáng chế
Cục sở hữu trí tuệ sẽ tiến hành thẩm định nội dung sáng chế trong vòng 12-16 tháng kể từ ngày đơn được công bố (thời gian thực tế có thể dài hơn). Nếu kết quả sáng chế đáp ứng tiêu chuẩn bảo hộ, bằng sáng chế sẽ được cấp trong vòng 1-2 tháng. Nếu không, người nộp đơn đăng ký sáng chế sẽ có ba tháng (có thể gia hạn thêm 3 tháng) để phúc đáp lại việc từ chối này.
Hồ sơ cần chuẩn bị
– Bản mô tả sáng chế;
– Yêu cầu bảo hộ của sáng chế;
– Bản vẽ (nếu có).
– Tên và địa chỉ của tác giả sáng chế, người nộp đơn sáng chế.
– Giấy uỷ quyền;
Thời hạn bảo hộ: 20 năm kể từ ngày nộp đơn (Khoản 4 Điều 93 Luật Sở hữu trí tuệ)
____________________________
Để được hỗ trợ và tư vấn chi tiết, Quý khách hàng vui lòng liên hệ chúng tôi quahotline +84 9888 999 26 hoặc email xuanduong@luatdaiviet.vn
Phòng Pháp luật Doanh nghiệp (VnLaw) – Công ty Luật TNHH Đại Việt
Địa chỉ: Số 09 Vạn Phúc, Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội