Câu hỏi: Tôi muốn biết một số kiến thức về li-xăng đối với đối tượng sở hữu công nghiệp trước lập Hợp đồng
Tôi đã đăng ký bảo hộ một số sáng chế và một nhãn hiệu của công ty mình. Sau quá trình kinh doanh và đạt được thu nhập và sản phẩm cũng có chỗ đứng trên thị trường, có nhiều đơn vị đã liên hệ với tôi muốn ký Hợp đồng li – xăng. Tôi muốn biết một số kiến thức về li-xăng đối với đối tượng sở hữu công nghiệp trước lập Hợp đồng và tiến hành khi ký kết.
Mong Luật sư có thể cung cấp cho tôi một vài thông tin hữu ích.
Trả lời:
Hợp đồng li-xăng đối với đối tượng sở hữu công nghiệp còn được gọi Hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp. Hãy cùng Vnlaw tìm hiểu một số lưu ý trước khi ký kết Hợp đồng li-xăng qua bài viết dưới đây.
Một số định nghĩa:
- Chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp là việc tổ chức, cá nhân nắm độc quyền sử dụng một đối tượng sở hữu công nghiệp (Bên chuyển quyền sử dụng – thường được gọi là bên giao) cho phép tổ chức cá nhân khác (Bên nhận quyền sử dụng – thường được gọi là bên nhận) sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp đó.
- “Đối tượng sở hữu công nghiệp” có thể là sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn.
- Người có độc quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp là Chủ sở hữu công nghiệp (tức là chủ Văn bằng bảo hộ đối với đối tượng sở hữu công nghiệp đó); hoặc là Bên nhận li-xăng độc quyền (tức là người được Chủ sở hữu công nghiệp chuyển giao độc quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp).
- “Văn bằng bảo hộ” có thể là Bằng độc quyền sáng chế, Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.
Mục đích khi chuyển quyền sử dụng
- Chủ sở hữu công nghiệp có độc quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp trong thời hạn bảo hộ (thời hạn hiệu lực của Văn bằng bảo hộ) trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Tổ chức, cá nhân khác muốn sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp đang trong thời hạn bảo hộ nhằm mục đích thương mại phải được Chủ sở hữu công nghiệp cho phép (chuyển quyền sử dụng), thông thường dưới hình thức ký kết HĐ chuyển quyền sd.
- Chuyển quyền sử dụng một hình thức khai thác quyền sở hữu công nghiệp, qua đó Chủ sở hữu công nghiệp thu về 1 khoản tiền (phí chuyển quyền sd) hoặc lợi ích vật chất khác mà không phải trực tiếp sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp. Hình thức này đặc biệt thích hợp đối với những Chủ sở hữu công nghiệp không hoạt động kinh doanh hoặc không có năng lực kinh doanh. Chuyển quyền sử dụng còn góp phần phổ biến công nghệ, nâng cao hiệu quả đầu tư nghiên cứu – triển khai, hạn chế độc quyền và thúc đẩy việc tạo ra công nghệ mới. Vì vậy, có thể nói rằng, chuyển quyền sử dụng đem lại lợi ích cho cả Chủ sở hữu công nghiệp, người được chuyển quyền sử dụng và toàn xã hội nói chung.
Đối tượng có quyền chuyển nhượng
- Người nắm độc quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp có quyền chuyển quyền sd đối tượng sở hữu công nghiệp đó.
- Người chuyển quyền sử dụng chỉ được pharp chuyển giao quyền thuộc về mình, nếu quyền sở hữu công nghiệp thuộc sở hữu chung, thì việc chuyển quyền sd phải được sự đồng ý của tất cả các chủ sở hữu chung theo quy định của BLDS.
Hình thức thể hiện việc chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp
- Có hai hình thức chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp:
– Chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp theo hợp đồng, tức là theo thỏa thuận giữa bên chuyển quyền và bên nhận chuyển quyền.
– Chuyển quyền sử dụng sáng chế theo quyết định bắt buộc (không áp dụng đối với các đối tượng sở hữu công nghiệp khác) là việc chuyển quyền sử dụng theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong một số trường hợp đặc biệt mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu sáng chế.
Các dạng Hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp
Hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp có thể được phân chia theo các tiêu chí khác nhau:
- Theo phạm vi quyền của bên nhận, có hai dạng hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp sau đây:
– Hợp đồng độc quyền: là hợp đồng mà theo đó trong phạm vi và hời hạn chuyển quyền, bên được chuyển quyền được quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp, bên chuyển quyền không được ký kết hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp với bất kỳ bên thứ ba nào chỉ được sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp đó nếu được phép của bên chuyển quyền.
– Hợp đồng không độc quyền: là hợp đồng mà theo đó trong phạm vi và thời hạn chuyển quyền sử dụng, bên chuyển quyền vẫn có quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp, quyền ký kết hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp không độc quyền với người khác.
- Theo Bên giao, có hai dạng hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp sau đây:
– Hợp đồng sơ cấp là hợp đồng mà bên giao chính là chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp.
– Hợp đồng thứ cấp là hợp đồng mà bên giao là người được chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp theo một hợp đồng khác.
Nghĩa vụ đăng ký Hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp
Đăng ký hợp đồng không phải là nghĩa vụ pháp lý bắt buộc. Tuy nhiên, đăng ký hợp đồng là điều kiện để hợp đồng có hiệu lực đối với bên thứ ba.
____________________________
Để được hỗ trợ và tư vấn chi tiết, Quý khách hàng vui lòng liên hệ chúng tôi quahotline +84 9888 999 26 hoặc email xuanduong@luatdaiviet.vn
Phòng Pháp luật Doanh nghiệp (VnLaw) – Công ty Luật TNHH Đại Việt
Địa chỉ: Số 09 Vạn Phúc, Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội