Trong quá trình hoạt động của nền kinh tế, các chủ thể thông qua hợp đồng để thiết lập quan hệ và hoạt động vì một lợi ích chung. Nếu muốn chấm dứt mối quan hệ này, các chủ thể sẽ phải thực hiện các thủ tục đơn phương chấm dứt hợp đồng theo quy định pháp luật và bồi thường trong trường hợp cần thiết.
Căn cứ pháp lý
Bộ luật dân sự 2015 số 91/2015/QH3 ban hành ngày 24/11/2015.
Điều kiện để đơn phương chấm dứt hợp đồng
Trước khi tiến hành các thủ tục đơn phương chấm dứt hợp đồng; cá nhân hay tổ chức phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 428 Bộ Luật Dân sự 2015 về đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng:
“Một bên có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại khi bên kia vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trong hợp đồng hoặc các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định”.
Hay nói cách khác, xem xét việc đơn phương chấm dứt hợp đồng kinh tế có đúng luật hay không phải căn cứ vào từng trường hợp cụ thể như:
- Bên còn lại vi phạm nghiêm trọng các điều khoản ghi trong Hợp đồng kinh tế đã ký kết.
- Các bên liên quan thỏa thuận các trường hợp được đơn phương chấm dứt hợp đồng.
- Pháp luật có quy định khác về đơn phương chấm dứt hợp đồng.
Nếu một bên đơn phương chấm dứt hợp đồng; trong khi các bên còn lại vi phạm một trong các trường hợp nêu trên thì được coi là đơn phương chấm dứt hợp đồng đúng pháp luật. Trường hợp ngược lại, nếu một bên không vi phạm một trong các trường hợp nêu trên; trong khi bên còn lại muốn chấm dứt thì được xác định là đơn phương chấm dứt hợp đồng trái luật.
Thủ tục đơn phương chấm dứt hợp đồng
Hợp đồng kinh tế
Thủ tục đơn phương chấm dứt hợp đồng được thực hiện theo 3 bước:
Bước 1: Xác nhận đối tác có vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ được ghi trong hợp đồng hoặc thỏa thuận khác của các bên hay không.
Bước 2: Thông báo ngay cho các bên liên quan về việc chấm dứt hợp đồng. Nếu không thông báo mà gây thiệt hại thì phải tiến hành bồi thường. Khi muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng thì thông báo cho các bên còn lại về việc chấm dứt hợp đồng là bắt buộc. Vì trong trường hợp bên đơn phương chấm dứt hợp đồng không thông báo trước cho bên còn lại; khi xảy ra bị thiệt hại thì bên đơn phương chấm dứt hợp đồng phải bồi thường, gây tổn thất tài chính.
Bước 3: Thực hiện bồi thường trong trường hợp có thỏa thuận tại hợp đồng hoặc giữa các bên.
Hợp đồng lao động
Bước 1: Bên đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động xác định quy định pháp luật để áp dụng.
Bước 2: Thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động; ghi rõ thời điểm chấm dứt.
Bước 3: Hoàn thành các nghĩa vụ còn lại theo thỏa thuận hợp đồng và nội dung thông báo.
Hậu quả
Nguyên nhân chấm dứt hợp đồng có thể là do những hành vi vi phạm của đối tác. Tuy nhiên thực hiện thủ tục đơn phương chấm dứt hợp đồng có thể gặp phải những hậu quả sau:
Phải thông báo ngay cho các bên liên quan về việc chấm dứt.
Bồi thường cho bên bị vi phạm nếu xảy ra thiệt hại vì không thông báo kịp thời cho các bên còn lại.
Trường hợp không có căn cứ về việc các bên còn lại vi phạm nghiêm trọng; bên đơn phương chấm dứt hợp đồng được coi là bên vi phạm và phải bồi thường nếu xảy ra thiệt hại.
Trong trường hợp nào, hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng cũng có thể đi đến việc bồi thường một khoản tiền lớn cho các bên liên quan. Chính vì vậy để hạn chế tối đa các tình huống đơn phương chấm dứt hợp đồng; các chủ thể nên xem xét kỹ lưỡng tất cả những thông tin liên quan; trước khi ký kết để có những quyết định đúng đắn.
Xem thêm:
- Hỏi đáp về đơn phương chấm dứt hợp đồng thương mại.
- Tất cả những điều bạn cần biết về giải quyết tranh chấp hợp đồng.
Trên đây là toàn bộ những thông tin liên quan đến thủ tục đơn phương chấm dứt hợp đồng. Rất mong qua bài viết này, VnLaw sẽ giúp bạn có thêm những kiến thức liên quan và có thể tự tin hơn trong việc xử lý các tình huống của cá nhân, doanh nghiệp bạn.