Hợp đồng là hình thức phổ biến nhằm xác định mối quan hệ giữa các bên tham gia quan hệ hợp đồng; cùng thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình vì một mục đích chung. Vậy khi nào hợp đồng có giá trị pháp lý và có hiệu lực? Câu trả lời sẽ được VnLaw bật mí ngay trong bài viết dưới đây!
Khi nào hợp đồng có hiệu lực?
Vấn đề khi nào hợp đồng có giá trị pháp lý và có hiệu lực nên được các chủ thể tham gia quan hệ hợp đồng quan tâm hàng đầu. Thời điểm hiệu lực của hợp đồng là một trong 3 thời điểm sau:
Thời điểm giao kết hợp đồng
Khi các bên không có thỏa thuận hoặc quy định khác, thời điểm hợp đồng có hiệu lực chính là thời điểm giao kết hợp đồng. Có thể là các thời điểm sau:
- Thời điểm bên đề nghị nhận được trả lời chấp nhận của bên còn lại nếu hợp đồng được thỏa thuận trực tiếp bằng lời nói.
- Thời điểm bên cuối cùng ký vào văn bản trong trường hợp giao kết hợp đồng bằng văn bản
- Thời điểm bên đề nghị nhận được thư trả lời chấp nhận hợp lệ nếu hợp đồng được giao kết bằng thư tín, thông qua bưu điện.
- Nếu các bên có thỏa thuận hoặc có quy định Pháp luật im lặng là đồng ý giao kết hợp đồng, thì hợp đồng được xem là đã giao kết từ thời điểm hết thời hạn trả lời mà bên được đề nghị vẫn im lặng.
- Tuân theo các quy định đặc thù của pháp luật về giao dịch điện tử nếu hợp đồng giao kết bằng phương tiện điện tử
Thời điểm thỏa thuận do các bên tham gia quan hệ hợp đồng
Nếu các bên có thỏa thuận thời điểm có hiệu lực của hợp đồng và khác với thời điểm giao kết hợp đồng thì hợp đồng sẽ có hiệu lực vào thời điểm thỏa thuận đó. Quy định này dựa trên nguyên tắc tự do hợp đồng.
Thời điểm theo quy định của Luật liên quan
Trong trường hợp đặc thù, Pháp luật có quy định riêng về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng; và hợp đồng sẽ có hiệu lực theo quy định của Pháp luật.
Khi nào hợp đồng có giá trị pháp lý?
Việc xác định giá trị pháp lý của hợp đồng rất quan trọng trong việc ràng buộc các bên thực hiện đúng và đủ nghĩa vụ theo cam kết và giải quyết vi phạm hợp đồng.
Vậy khi nào hợp đồng có giá trị pháp lý? Khi hợp đồng đáp ứng đủ những điều kiện sau:
– Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự và năng lực hành vi dân sự phù hợp với hợp đồng được xác lập. Kể cả trong trường hợp người có đủ năng lực hành vi dân sự nhưng xác lập giao dịch vào đúng thời điểm không đủ nhận thức và làm chủ được hành vi của mình; thì hợp đồng cũng bị coi là vô hiệu. Việc xác định năng lực pháp luật dân sự khá khó đối với trường hợp chủ thể là pháp nhân.
– Chủ thể tham gia quan hệ hợp đồng hoàn toàn tự nguyện; không bị ép buộc hay đe dọa bởi bất cứ cá nhân/ tổ chức nào. Đại diện của các bên giao kết hợp đồng phải đúng thẩm quyền.
– Mục đích và nội dung của hợp đồng không vi phạm quy định của Pháp luật; và không trái với đạo đức xã hội.
– Hợp đồng phải đảm bảo quy định về hình thức theo quy định của Pháp luật. Hợp đồng có thể được xác thập thông qua lời nói, văn bản hoặc hành vi cụ thể.
Những thỏa thuận không vô hiệu khi hợp đồng vô hiệu
Thực tế khi soạn thảo hợp đồng các bên lồng ghép thêm thỏa thuận ngoài như: Thỏa thuận đặt cọc, Thỏa thuận thế chấp, bảo lãnh,… Về bản chất các thỏa thuận này là một biện pháp đảm bảo kèm theo hợp đồng; nên khi hợp đồng vô hiệu chưa chắc đã làm vô hiệu các điều khoản này.
Xem thêm:
- Những câu hỏi liên quan đến lĩnh vực Hợp đồng
- Các lưu ý cần phải biết khi ký kết hợp đồng thương mại!
Rất mong những chia sẻ phía trên có thể giúp bạn trả lời cho câu hỏi khi nào hợp đồng có giá trị pháp lý và có hiệu lực. Truy cập trang web của chúng tôi để biết thêm những thông tin liên quan!