Thừa kế cổ phần là một vấn đề phức tạp. Để quá trình hưởng quyền thừa kế không nảy sinh nhiều khó khăn cũng như tranh chấp, thủ tục nhận thừa kế công ty cổ phần dưới đây sẽ giúp ích cho bạn!

Căn cứ pháp lý
- Luật doanh nghiệp 2020;
- Bộ Luật Dân sự 2015.
Điều kiện để thực hiện thủ tục thừa kế cổ phần công ty
Cổ phần là gì?
Cổ phần là đơn vị nhỏ nhất được chia ra từ vốn điều lệ. Vốn điều lệ được chia thành các phần bằng nhau, mỗi phần đó được gọi là cổ phần. Người sở hữu cổ phần có thể là các cổ đông cá nhân hoặc cổ đông tổ chức.
Điều kiện để thực hiện thủ tục thừa kế cổ phần
Theo Luật Doanh nghiệp 2020, điều kiện đầu tiên để tiến hành thủ tục thừa kế cổ phần là người để lại quyền thừa kế bắt buộc phải là cổ đông nắm giữ quyền sở hữu cổ phần trong doanh nghiệp.
Có hai hình thức thừa kế:
- Thừa kế theo di chúc: Cổ phần sẽ được chuyển cho người thừa kế được chỉ định theo nội dung được ghi tại di chúc của người để lại quyền thừa kế.
- Thừa kế theo Pháp Luật: Trong một số trường hợp không có di chúc hoặc di chúc không thể phát huy tác dụng do không hợp pháp; người được hưởng thừa kế không có khả năng nhận hoặc từ bỏ quyền thừa kế. Khi đó, những người được hưởng quyền thừa kế sẽ chia ra các bậc theo quy định tại Bộ Luật Dân sự 2015.
Thủ tục nhận thừa kế cổ phần công ty
Để tiến hành thừa kế cổ phần công ty, cá nhân phải thực hiện các bước sau
Bước 1: Khai nhận di sản thừa kế cổ phần công ty
Hồ sơ trong thủ tục nhận thừa kế cổ phần công ty bao gồm:
- Di chúc hợp pháp của người để lại quyền thừa kế (trường hợp thừa kế theo di chúc);
- Giấy chứng tử của người để lại quyền/ di sản thừa kế;
- Các giấy tờ chứng minh mối quan hệ huyết thống của người thừa kế và người để lại quyền thừa kế;
- Các tài liệu nhằm chứng minh di sản thừa kế khai nhận là có thật; thuộc quyền sở hữu và sử dụng của người để lại di sản thừa kế (giấy chứng nhận góp vốn; sổ đăng ký cổ đông);
Với những giấy tờ yêu cầu bản sao đã công chứng thì bắt buộc phải mang theo bản chính để đối chiếu.
Người thừa kế sẽ tiến hành thủ tục khai nhận di sản tại Phòng Công chứng hoặc Văn phòng Công chứng.
Bước 2: Công chứng văn bản khai nhận di sản thừa kế
- Hồ sơ đầy đủ: Tiếp nhận, thụ lý và ghi vào sổ công chứng;
- Hồ sơ chưa đầy đủ: Công chứng viên tiến hành hướng dẫn và yêu cầu bổ sung;
- Hồ sơ không có đủ cơ sở để giải quyết: Công chứng viên sẽ giải thích lý do và từ chối tiếp nhận hồ sơ.
Bước 3: Niêm yết văn bản khai nhận di sản thừa kế
Sau khi hồ sơ hợp lệ và được tiếp nhận, tổ chức hành nghề công chứng sẽ niêm yết công khai văn bản tại trụ sở của UBND cấp xã nơi thường trú cuối cùng của người để lại di sản.
Trong trường hợp không xác định được nơi thường trú cuối cùng, tiến hành niêm yết tại nơi tạm trú có thời hạn cuối cùng của người đó trong thời hạn 15 ngày.
Bước 4: Ký kết văn bản khai nhận di sản thừa kế
Sau khi hết thời hạn niêm yết; nếu không có bất cứ khiếu nại, tố cáo nào; tổ chức hành nghề công chứng sẽ tiến hành ký kết và công chứng văn bản khai nhận di sản thừa kế đối với số cổ phần mà người được quyền thừa kế đã đăng ký khai nhận.
Bước 5: Thông báo cho doanh nghiệp về việc thay đổi cổ đông
Sau khi hoàn tất thủ tục nhận thừa kế cổ phần công ty; người thừa kế cần thông báo cho doanh nghiệp về việc hưởng quyền thừa kế cổ phần của cổ đông.
Luật Doanh nghiệp 2020 không có quy định về việc doanh nghiệp phải thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp khi thay đổi cổ đông xuất phát từ khai nhận thừa kế.
Đối với trường hợp người thừa kế cổ phần là người nước ngoài, doanh nghiệp cần tiến hành đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp.
Xem thêm:
- Thủ tục chuyển nhượng cổ phần bao gồm những gì?
- Điều kiện để thành lập công ty cổ phần gồm những gì?
Trên đây là tất cả những thông tin liên quan đến thủ tục nhận thừa kế cổ phần công ty. Truy cập trang web của VnLaw để biết thêm chi tiết về những thủ tục liên quan!